Đại dịch Covid-19 đã khiến thị trường bất động sản toàn cầu bị ảnh hưởng. Tại Châu Á Thái Bình Dương, bức tranh ảm đạm của bất động sản được phản ánh rõ nét ở thị trường Hồng Kông – một thị trường có mức giá đắt đỏ nhất thế giới. Và thị trường này cũng đang chứng kiến làn sóng đầu tư mạnh mẽ.
Cùng với Hàn Quốc, Đài Loan và Singapore, Hồng Kông được biết đến là 1 trong 4 con rồng kinh tế châu Á. Đây cũng là một trong những trung tâm tài chính toàn cầu quan trọng, có tầm ảnh hưởng lớn với nền kinh tế thế giới. Hình ảnh về một Hồng Kông phồn thịnh thường gắn với những tòa nhà chọc trời. Xứ sở Hương Cảng là nơi có số lượng cao ốc, nhà chọc trời nhiều nhất thế giới, tập trung xung quanh khu vực cảng Victoria. Và Hồng Kông cũng là thị trường nhà ở đắt đỏ nhất thế giới nhiều năm liên tiếp.
Sức nóng của bất động sản Hồng Kông được các chuyên gia lý giải là do cung thấp, cầu cao. Đặc khu này có hơn bảy triệu dân sống trên lãnh thổ rộng 1.105 km vuông và liên tiếp đón nhận sự gia tăng dân số cơ học do vị thế trung tâm kinh tế tài chính hàng đầu thế giới. “Đất quá chật” và “người quá đông” đã đẩy giá nhà Hồng Kông lên mức đắt đỏ bậc nhất thế giới. Ngoài ra, thông qua việc thâu tóm quỹ đất, một số nhà phát triển bất động sản lớn ở thị trường Hương Cảng cũng góp phần không nhỏ đẩy giá đất lên cao. Do đó, bên cạnh những tòa nhà chọc trời, Hồng Kông còn gắn với hình ảnh những căn nhà “hộp diêm”, “quan tài” – nơi trú ngụ của người nghèo.
Nhiều nhà đầu tư lùng sục thị trường bất động sản thương mại và bất động sản nhà ở Hong Kong
Đại dịch Covid-19 đã khiến thị trường bất động sản toàn cầu bị ảnh hưởng. Tại Châu Á Thái Bình Dương, bức tranh ảm đạm của bất động sản được phản ánh rõ ở Hồng Kông. Ông Troy Griffiths, Phó Tổng giám đốc, Savills Việt Nam cho biết đi cùng với sự sụt giảm của ngành bán lẻ và du lịch, đại dịch Covid-19 đã khiến kinh tế Hong Kong suy thoái, kéo theo sự sụt giảm của bất động sản. Đi cùng với sự sụt giảm của ngành bán lẻ và du lịch, bất động sản bán lẻ và du lịch chịu ảnh hưởng mạnh nhất. Các chủ đầu tư mặt bằng bán lẻ tại Hồng Kông đã giảm giá thuê tới 40%. Trong khi đó thị trường văn phòng, BĐS công nghiệp và nhà ở cũng ghi nhận dấu hiệu giảm nhiệt. Theo ông Jeff Yau - chuyên gia phân tích thị trường bất động sản của ngân hàng DBS Hồng Kông, giá thuê văn phòng tại khu trung tâm thương mại-tài chính của thành phố Hồng Kông đã giảm 17-18% trong nửa đầu năm nay và mức giảm có thể lên tới 25-30% trong cả năm.
Dữ liệu của JLL cho thấy tổng diện tích văn phòng trống lên tới khoảng 520.000 m2, tương đương 2,2% tổng nguồn cung, lần đầu tiên vượt mốc 500.000m2 trống kể từ tháng 10/2002.
Giá bán và thuê nhà ở Hồng Kông cũng sụt giảm mạnh. Dữ liệu từ Cơ quan tài sản Centaline cho biết, từ khi dịch Covid-19 bùng phát, đến thời điểm hiện tại, giá thuê trung bình đã giảm ở Hong Kong liên tiếp. Tổng mức giảm đã lên đến 10,6%.
Tuy nhiên, dù thị trường bất động sản Hồng Kông đang đối mặt nhiều thách thức nhưng với giới đầu tư đây là cơ hội đổ tiền để săn được sản phẩm giá hời. Khi giá giảm tới 30%, nhiều nhà đầu tư lùng sục thị trường bất động sản thương mại và bất động sản nhà ở Hong Kong. Họ đều có niềm tin rằng những thách thức hiện tại chỉ là nhất thời và mang tính chất giai đoạn. Tiềm năng của Hồng Kông là trong dài hạn. Xu hướng này thực sự trở thành một làn sóng. Theo hồ sơ của các đơn vị giao dịch, chỉ trong tháng 8, giới đầu tư từ Trung Quốc đại lục đã mua ít nhất hai tòa tháp văn phòng và một tòa nhà khách sạn với tổng trị giá 4 tỷ HKD (516 triệu USD). Đại diện CBRE Hong Kong cho biết, nhiều thương vụ mua bán, chuyển nhượng bất động sản quy mô lớn đã diễn ra trong bối cảnh giá bất động sản Hồng Kông sụt giảm. Số lượng mua của giới đầu tư đã tăng lên trong quý 3 vừa rồi.
Theo ThanhnienViet