Trang mua bán nhà đất hàng đầu Việt Nam

Cho người nước ngoài mua nhà: Cần làm nhanh!

Cập nhật: 21/11/2014 21:03

Các chuyên gia cho rằng, việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài sở hữu nhà tại Việt Nam là một cách thu hút đầu tư rất hiệu quả và cần làm nhanh, không cần phải thí điểm hay "bàn tới bàn lui" nữa.

Bà Trần Thị Quốc Khánh, Đại biểu Đoàn ĐBQH Hà Nội:

Tôi hoàn toàn ủng hộ chính sách cho phép người nước ngoài mua và sở hữu nhà ở Việt Nam. Rất nhiều nước trên thế giới đã thực hiện điều này, Việt Nam cũng nên cởi mở hơn. Điều này không chỉ góp phần giải quyết vấn đề của thị trường bất động sản mà còn giúp phục hồi và phát triển các nguồn lực của đất nước.

Tôi nghĩ chúng ta không nên lo lắng tới vấn đề an ninh xã hội vì khi người nước ngoài tới sinh sống, họ sẽ phải tuân thủ theo quy định luật pháp của nước sở tại. Đất nước ta đang trong quá trình hội nhập, người Việt Nam sẽ biết chia sẻ và học hỏi được nhiều điều từ chính những người nước ngoài đang sống tại nước ta. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần chuẩn bị kỹ các quy định pháp luật và tăng cường công tác quản lý để đảm bảo không phát sinh những vấn đề tiêu cực.

Ông Mai Hữu Tín, Đại biểu Đoàn ĐBQH Bình Dương:

Việc cho người nước ngoài sở hữu nhà tại Việt Nam sẽ tác động tích cực tới thị trường bất động sản và cho cả nền kinh tế Việt Nam. Không có lý do gì để lo lắng về việc sở hữu bất động sản của người nước ngoài. Nhiều nước trên thế giới đã thực hiện thành công chính sách này, đơn cử như Singapore. Ngoại trừ những khu vực liên quan đến quốc phòng, an ninh,... chúng ta nên mở cửa cho người nước ngoài sở hữu bất động sản.

"Nới rộng" điều kiện cho người nước ngoài sở hữu nhà ở tại Việt nam sẽ góp phần kêu gọi, thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

Luật sư Trương Thanh Đức, Đoàn luật sư TP Hà Nội:

Cho người nước ngoài mua nhà là một đề nghị cần thiết và hợp lý. Đáng lẽ điều này cần phải được thực hiện từ lâu rồi. Không có lý do gì mà cứ khư khư cấm đoán người nước ngoài mua nhà. Tương tự, việc cho Việt kiều mua nhà đất hay mở rộng, thu hút đầu tư nước ngoài mang lại nhiều lợi ích. Bất động sản là một loại tài sản không thể di dời được, luôn phải chịu sự quản lý chặt chẽ của Nhà nước nên việc ai là người sở hữu không quan trọng, quan trọng là làm sao phát huy được tốt nhất, hiệu quả nhất và những lợi ích mà nó có thể mang lại cho kinh tế xã hội của đất nước.

Công tác quản lý về cơ bản cũng sẽ không gặp nhiều vấn đề đáng ngại. Ngược lại, chính sách này sẽ góp phần làm cho việc quản lý càng phải công khai, minh bạch và hiệu quả hơn. Về mặt quốc phòng, an ninh, việc cho người nước ngoài mua đất cũng không khác gì so với việc cho thuê dài hạn. Dĩ nhiên là chúng ta cũng cần phải có chính sách quản lý phù hợp với những trường hợp này.

Ông Cheong Ho Kuan, chuyên gia từ Malaysia:

Dường như người nước ngoài không quan tâm lắm tới việc mua và sở hữu bất động sản tại Việt Nam vì họ vẫn lo ngại vấn đề tài sản của họ khi về nước. Các quy định hiện hành về việc cho người nước ngoài mua nhà vẫn chưa rõ ràng cũng là một rào cản khiến họ quyết định mua nhà, tất nhiên, trừ trường hợp người nước ngoài kết hôn với người Việt. Khi quy định pháp luật "cởi mở" hơn, tôi tin số lượng người mua nhà tại Việt Nam sẽ tăng lên, phần nào có tác động tốt tới thị trường địa ốc.

 điều kiện cho người nước ngoài
Các chuyên gia đều cho rằng "nới" điều kiện cho người nước ngoài và Việt kiều
mua nhà là một việc nên làm nhanh.

Ông Leon Cheneval, Chuyên gia nước ngoài tại Việt Nam:

Cho người nước ngoài mua nhà là một giải pháp tốt cho thị trường nhà đất hiện nay. Việt Nam nên cải tiến chính sách cho người nước ngoài mua nhà theo hướng không chỉ cho phép người làm việc tại Việt Nam mà nên cho phép cả người nước ngoài có nhu cầu và hướng họ đến phân khúc nhà giá cao.

Ông Robert Trần, doanh nhân Việt Kiều:

Rất nhiều quốc gia Châu Á như Singapore hay Thái Lan,... có chính sách khuyến khích người nước ngoài mua nhà bởi đây là việc giúp tăng dòng ngoại tệ đáng kể và tạo điều kiện để người nước ngoài làm ăn, đầu tư lâu dài.

Tôi đã từng làm việc tại rất nhiều thị trường như Mỹ, các quốc gia Châu Á - Thái Bình Dương, nhưng tôi chưa thấy nước nào có chính sách hạn chế và bàn thảo nhiều về vấn đề này như tại Việt Nam. Singapore và Thái Lan khuyến khích, Nhật Bản và Mỹ rất cởi mở, miễn là người mua phải chứng minh được nguồn tiền "sạch" để mua bất động sản.

(Theo Diễn đàn kinh tế Việt Nam)

TIN CŨ HƠN
CHỦ ĐỀ KHÁC
TIN ĐƯỢC QUAN TÂM