Trang mua bán nhà đất hàng đầu Việt Nam

Cuộc tháo chạy khỏi bất động sản vùng ven

Cập nhật: 28/12/2020 10:00

Dù đối mặt nhiều khó khăn, thách thức nhưng năm 2020, thị trường chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của bất động sản vùng ven. Trong khi người mới hào hứng thì những người đã gắn với các thị trường này từ nhiều năm trước lại đang tìm cách tháo chạy.

Xu hướng dịch chuyển ra ven đô hoặc các thị trường vệ tinh đã xuất hiện từ nhiều năm trước nhưng thực sự phát triển mạnh và trở thành trào lưu trong thời gian gần đây. Trải qua một năm 2020 dịch bệnh hoành hành và thiên tai liên tiếp, nhu cầu về môi trường sống xanh, trong lành, thoáng đãng càng trở nên cấp thiết với con người.

Không khó để nhận ra một lượng không nhỏ các dự án tung hàng hoặc được giới thiệu trên thị trường thời gian qua là các dự án nghỉ dưỡng xuất hiện ở các huyện ven Hà Nội như Ba Vì, Sóc Sơn hoặc các tỉnh giáp ranh như Hòa Bình, Vĩnh Phúc… Bên cạnh những dự án có quy mô là sự nở rộ của farmstay (mô hình kinh doanh trang trại kết hợp du lịch nghỉ dưỡng) và homestay. Theo tìm hiểu của Batdongsan.com.vn, rất nhiều nhà đầu tư săn đất ở Lương Sơn, Kỳ Sơn, Tân Vinh (Hòa Bình), Ba Vì, Sơn Tây, Sóc Sơn (Hà Nội), Phú Thọ, Hưng Yên, Vĩnh Phúc… để xây dựng các trang trại kết hợp với kinh doanh lưu trú (farmstay) hoặc chỉ đơn thuần là kinh doanh lưu trú như homestay. Với những người mua ở thì lựa chọn đất xây biệt thự, nhà vườn hoặc mua căn hộ tại các khu đô thị có sự đầu tư cảnh quan, tiện ích ở vùng ven.

Dù xu hướng sống ly tâm, dịch chuyển về vùng ven nở rộ mạnh trong năm 2020 nhưng trên thực tế từ nhiều năm trước đã có những người chọn xu hướng này. Và không ít người trong số đó đang tìm cách tháo chạy.

Nhiều người mơ ước một cuộc sống xanh vùng ven đang phải tìm cách tháo chạy khỏi vùng đất này

Nhiều người mơ ước một cuộc sống xanh vùng ven đang phải tìm cách tháo chạy khỏi vùng đất này

Hơn một năm trước, chị Lê Thị P, công tác tại quận Đống Đa (Hà Nội) quyết định mua nhà tại một khu đô thị ở Văn Giang (Hưng Yên) do thích không gian sống có nhiều cây xanh tại đây. Chị chấp nhận mỗi ngày di chuyển 40km cả đi và về trên xe buýt từ nơi ở đến chỗ làm để được tận hưởng không gian sống xanh. Thế nhưng mới đây chị quyết định rao bán nhà. Theo chị P, đường vào trung tâm Hà Nội khung giờ cao điểm rất tắc nên một ngày chị mất khoảng 2,5 tiếng di chuyển trên xe buýt, thậm chí là hơn. Nhiều hôm xe buýt đông, không có chỗ ngồi, chị đứng trên xe cả tiếng đồng hồ. Từ khi về nơi ở mới, do chỗ ở quá xa chỗ làm và trung tâm, việc kết nối, mở rộng quan hệ công việc của chị bị hạn chế. Trước đây khi còn sống ở trung tâm chị có thể linh hoạt giờ giấc gặp đối tác, khách hàng nhưng giờ thì đi đâu làm gì chị chỉ mau mải “căn” giờ chuẩn để bắt kịp xe buýt để về. Việc di chuyển mất nhiều thời gian khiến quỹ thời gian dành cho bản thân, dành cho gia đình của chị cũng không còn nhiều. Do đó, sau một thời gian, chị P quyết định bán nhà chuyển về trung tâm để sống.

Tương tự chị P, cách đây 2 năm, vợ chồng chị Mai Linh cũng bán nhà riêng ở Thanh Xuân, chuyển ra Thạch Thất (Hà Nội) mua đất xây nhà vườn với mong muốn có một không gian sống xanh, sinh thái. Thế nhưng mới đây vợ chồng chị cũng quyết định rao bán lại căn biệt thự này với mục đích chuyển vào trung tâm sống. Dù di chuyển bằng ô tô nhưng cuối cùng cả hai vợ chồng cũng phải từ bỏ ngôi nhà vùng ven khi nhận thấy không đáng để đánh đổi thời gian và sức khỏe trước quãng đường xa và tắc khi di chuyển vào trung tâm làm việc. Hơn nữa các cơ sở đào tạo chất lượng, các trung tâm giải trí, vui chơi trẻ em đều tập trung chính ở trung tâm khiến việc học và vui chơi của hai con chị đều gặp nhiều khó khăn, hạn chế do nhà ở quá xa.

Trong khi đó, anh Đào Thế một người kinh doanh mô hình du lịch hết hợp trang trại nghỉ dưỡng ở Ba Vì (Hà Nội) cho biết đầu năm 2019, anh đã tìm cách rao bán, chuyển nhượng farmstay nhưng đến nay vẫn chưa bán được. Ngoài farmstay ở Ba Vì, anh Thế còn là chủ 2 homestay ở Sóc Sơn và Sơn Tây. Theo anh Thế, chưa cần đến Covid-19 thì công việc kinh doanh farmstay đã không thuận lợi. Phức tạp hơn kinh doanh homestay, farmstay đòi hỏi cả sự am hiểu về nông nghiệp. Anh Thế nhấn mạnh phần farm phải làm tốt, phát triển và có thu hoạch từ các nông trại, và đó là tiền đề quan trọng để thúc đẩy phần stay – phần ở theo cùng. Tuy nhiên, do không có kinh nghiệm, trang trại của anh phát triển “èo uột” không mang lại lợi nhuận từ hình thức nông trại và do đó cũng không hấp dẫn được khách đến du lịch. Tiền thuê kĩ sư cho mảng nông nghiệp rồi nhân công chăm sóc nông trại khiến chi phí vận hành cao hơn so với homestay nhưng lợi nhuận không bằng nên sau một thời gian kinh doanh thua lỗ anh quyết định tháo chạy nhưng đến giờ vẫn chưa có ai mua lại.

Trao đổi với Batdongsan.com.vn, anh Lương Ngọc Huy, một môi giới kiêm một nhà đầu tư có gần 10 năm gắn với các thị trường vùng ven, cho biết nhu cầu về một không gian sống xanh là nhu cầu chính đáng khi nội đô đối mặt lớn với các vấn đề ô nhiễm, tắc đường. Tuy nhiên, việc dịch chuyển ra ven đô cần suy xét kĩ càng các yếu tố liên quan tới hạ tầng giao thông và xã hội. Nếu các yếu tố này gây trở ngại cho cuộc sống từ công việc, học hành, sinh hoạt thì cần xem xét lại. Anh Huy cho biết nhiều người chọn xu hướng ven đô theo trào lưu, ý thích nhất thời đến khi nhận thấy hàng loạt những bất cập của cuộc sống vùng ven mới tìm cách tháo chạy nhưng điều này không dễ dàng vì sản phẩm BĐS gặp khó về thanh khoản.

Theo ThanhnienViet

TIN CŨ HƠN
CHỦ ĐỀ KHÁC
TIN ĐƯỢC QUAN TÂM