Dự kiến đến năm 2025 Đà Nẵng sẽ hoàn thành mô hình khu công nghiệp sinh thái và đến 2030 sẽ có ít nhất 3 khu công nghiệp sinh thái...
Đây là một trong những chỉ tiêu của đề án "Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường" giai đoạn 2021 – 2030 mà UBND thành phố Đà Nẵng vừa phê duyệt. Tổng kinh phí khái toán thực hiện đề án này là 15.546 tỷ đồng.
TẠO AN TOÀN CHO CƯ DÂN VÀ DU KHÁCH
Đề án tiếp tục duy trì, giữ vững và nâng cao các mục tiêu xây dựng thành phố môi trường theo nội dung đề án đã được phê duyệt từ năm 2008: Phấn đấu đến năm 2025, thành phố đáp ứng các mục tiêu, chỉ tiêu đặt ra, có lộ trình đến năm 2030 theo hướng đô thị sinh thái; tạo sự an toàn về sức khoẻ và môi trường cho người dân, các nhà đầu tư, du khách khi đến với Đà Nẵng.
Đề án cũng đề ra 31 tiêu chí, chia thành 4 nhóm cần thực hiện, tăng 21 tiêu chí so với nội dung đề án năm 2008. Trong đó, nhóm tiêu chí phòng ngừa và kiểm soát có 7 tiêu chí. Ví như, đến 2025, 100% phương tiện vận tải công cộng bằng xe buýt mới đạt tiêu chuẩn khí thải Euro 4; đến năm 2030 đạt 25% xe buýt công cộng chạy bằng động cơ điện trên tổng số xe buýt đang hoạt động trên địa bàn thành phố. Tỷ lệ giảm phát thải khí nhà kính từ các giải pháp phát triển năng lượng điện, năng lượng mới và tái tạo: Đến năm 2025 giảm từ 1-2%, đến năm 2030 giảm 5-7%...
Đề án đặt ra 51 nhiệm vụ, dự án, công trình, phi công trình với tổng kinh phí khái toán thực hiện trong giai đoạn 2021-2030 là 15.546 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Nhà nước 5.436 tỷ đồng, nguồn vốn ODA 3.200 tỷ đồng và nguồn vốn xã hội hóa 6.910 tỷ đồng.
Nhóm tiêu chí cải thiện môi trường, giải quyết các vấn đề môi trường trọng tâm, trọng điểm có 13 tiêu chí. Gồm: 100% các khu công nghiệp, Cụm công nghiệp, Khu công nghệ cao có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường. Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu gom, xử lý đạt quy chuẩn theo quy định đến năm 2025 đạt >95%. Các điểm nóng ô nhiễm môi trường được cải tạo, các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý triệt để…
Nhóm tiêu chí bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học có 4 chỉ tiêu: không chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng tự nhiên, rừng phòng hộ. Giữ vững và khuyến khích việc gia tăng tỷ lệ che phủ rừng, đảm bảo duy trì diện tích đất được bảo vệ và duy trì đa dạng sinh học. Bên cạnh đó, đảm bảo bố trí diện tích đất cây xanh công cộng bình quân đầu người khu vực nội thành, nội thị năm 2025 đạt 6m2/người, đến năm 2030 đạt 9m2/người. Tỷ lệ các khu vực khai thác khoáng sản được phục hồi theo quy định pháp luật trên tổng số khu vực kết thúc khai thác khoáng sản đến năm 2025 đạt 50%; đến năm 2030 đạt 100%...
Để thực hiện 31 tiêu chí nói trên, đề án đặt ra 51 nhiệm vụ, dự án, công trình, phi công trình với tổng kinh phí khái toán thực hiện trong giai đoạn 2021-2030 là 15.546 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Nhà nước 5.436 tỷ đồng, nguồn vốn ODA 3.200 tỷ đồng và nguồn vốn xã hội hóa 6.910 tỷ đồng.
2 VÀNH ĐAI, 12 PHÂN KHU CHỨC NĂNG
Liên quan đến định hướng phát triển đô thị Đà Nẵng, theo quyết định số 359/QĐ-TTg ngày 15/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ (phê duyệt "Điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045"), đô thị Đà Nẵng được tổ chức thành 2 vành đai phát triển kinh tế và 12 phân khu chức năng.
Cụ thể, vành đai phía bắc là vành đai "công nghiệp công nghệ cao và cảng biển - logistics"; vành đai phía nam là vành đai "đổi mới sáng tạo và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao".
Trong 12 phân khu chức năng, có "phân khu ven sông Hàn và bờ đông", thuộc một phần quận Thanh Khê, một phần quận Hải Châu, một phần quận cẩm Lệ, toàn bộ quận Sơn Trà (trừ bán đảo Sơn Trà), quận Ngũ Hành Sơn.
"Phân khu ven vịnh Đà Nẵng" bao gồm một phần quận Thanh Khê, quận Liên Chiểu trở thành khu vực có phong cách sống hỗn hợp dành cho các cư dân thu nhập tầm trung, kết hợp với các hoạt động thương mại và giải trí đa dạng.
Đây sẽ là khu đô thị hiện trạng được cải tạo và tái thiết, hình thành đô thị nén khu vực trung tâm thành phố, tập trung phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch; trọng tâm là quảng trường trung tâm gắn với Trung tâm hành chính thành phố; các công viên phần mềm; nút thể thao - văn hóa xung quanh khu vực Tiên Sơn; khu bảo tàng sống; phố đi bộ trên đường Bạch Đằng gắn với công viên APEC, chợ đêm, cầu Nguyễn Văn Trỗi; hình thành khu trung tâm kinh doanh thương mại, tuyến phố tài chính, phát triển trung tâm hội nghị, hội thảo quốc tế; trung tâm giáo dục - đào tạo chất lượng cao, trung tâm y tế thành phố.
"Phân khu ven vịnh Đà Nẵng" bao gồm một phần quận Thanh Khê, quận Liên Chiểu trở thành khu vực có phong cách sống hỗn hợp dành cho các cư dân thu nhập tầm trung, kết hợp với các hoạt động thương mại và giải trí đa dạng.
Đặc trưng của khu vực này là phát triển du lịch, vui chơi giải trí biển ven vịnh Đà Nẵng: "Phân khu cảng biển Liên Chiểu" bao gồm một phần phường Hòa Hiệp Bắc, một phần xã Hòa Liên huyện Hòa Vang dọc theo sông Cu Đê trọng tâm là phát triển cảng Liên Chiểu, cụm logistics và khu đô thị cảng biển.
"Phân khu trung tâm lõi xanh" gồm một phần ở quận Liên Chiểu có các phường Hòa Khánh Bắc, Hòa Khánh Nam, Hòa Minh; quận Cẩm Lệ với các phường Hòa An, Hòa Phát, Hòa Thọ Tây và các xã Hòa Sơn, Hòa Nhơn của huyện Hòa Vang. Đây là khu vực hoàn nguyên môi trường từ các khu khai thác khoáng sản để xây dựng công viên cây xanh và các khu chức năng đô thị; xây dựng mới các khu dân cư tầm trung; những không gian công cộng mới với nhiều không gian xanh rộng lớn.
"Phân khu đổi mới sáng tạo" được giới hạn bởi quốc lộ 14B phía bắc; cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, quốc lộ 1A ở phía tây; đường Võ Chí Công ở phía đông; tỉnh Quảng Nam phía nam; vị trí bao gồm một phần quận Ngũ Hành Sơn, quận Cẩm Lệ; huyện Hòa Vang có các xã Hòa Nhơn, Hòa Châu, Hòa Phước. Trọng tâm của phân khu này là khu đô thị đại học, trung tâm đổi mới sáng tạo, công viên phần mềm cùng các bệnh viện quốc tế, khu liên hợp thể thao Hòa Xuân và bến xe phía Nam.
"Phân khu sân bay" được tập trung quanh sân bay quốc tế Đà Nẵng, giới hạn bởi đường Điện Biên Phủ phía bắc; Trường Chinh phía tây; Nguyễn Hữu Thọ phía đông; Cách Mạng Tháng Tám phía nam; gồm một phần quận Hải Châu, quận Thanh Khê, quận Cẩm Lệ. Trọng tâm của phân khu này là sân bay và cụm logistics hiện đại mới.
"Phân khu sinh thái phía tây" là toàn bộ vùng núi phía bắc và phía tây thành phố từ dãy núi Bạch Mã - Hải Vân và Hòn Chảo (phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu) qua các xã Hòa Bắc, Hòa Liên, Hòa Ninh, Hòa Phú đến Hòa Khương thuộc huyện Hòa Vang. Khu vực này sẽ hình thành các khu du lịch cao cấp, điểm tham quan du lịch mạo hiểm, sinh thái, cộng đồng cho người dân và du khách gắn với hệ sinh thái rùng núi - biển…
Theo CafeF.vn