Cơn sốt chứng khoán, BĐS năm 2021 có nhiều nét tương đồng với năm 2006, liệu thị trường BĐS và chứng khoán có sắp gãy sóng như kịch bản cách đây 13 năm.
So sánh về sự tăng trưởng chóng mặt thị trường bất động sản và chứng khoán giai đoạn 2006-2009 và giai đoạn 2020 đến nay, ông Nguyễn Quốc Anh, Phó tổng giám đốc Batdongsan.com.vn, đã đưa ra số liệu so sánh để thấy những nét tương đồng và những điểm khác nhau giữa hai cơn sốt đất.
"Trước năm 2006, thị trường bất động sản bước vào giai đoạn đóng băng, dòng vốn chuyển sang thị trường chứng khoán rất mạnh. Đến giai đoạn 2006-2007, nền kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ, thị trường bất động sản ấm dần lên, một phần dòng vốn từ chứng khoán chuyển sang bất động sản. Thời điểm đó chỉ số VN-Index tăng từ 300 lên 1.000 điểm và được đánh giá là thời kỳ đỉnh cao của thị trường chứng khoán", ông Quốc Anh cho biết.
Theo ông Quốc Anh, giai đoạn này, nhiều tỉnh thành ban hành quy hoạch mới, nhiều khu đô thị, quy hoạch được điều chỉnh đã khiến cho thị trường tăng "nóng". Năm 2007, quy hoạch không gian của Hà Nội có tầm nhìn 2020 được đưa ra, tạo tiền đề cho những khu đô thị mới lúc bấy giờ bao gồm: Đông Anh, Long Biên và Gia Lâm tăng trưởng.
Đến cuối năm 2007, khi thị trường chứng khoán quá nóng, Ngân hàng nhà nước buộc phải đưa ra quy định tỷ lệ dư nợ vốn cho vay, chiết khấu giấy tờ có giá để đầu tư, kinh doanh chứng khoán ở mức dưới 3% tổng dư nợ của tổ chức tín dụng. Bước sang năm 2008, cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu diễn ra, thị trường bất động sản xuất hiện nợ xấu, thanh khoản giảm. Đến giai đoạn cuối năm 2008-2009, thị trường đóng băng hoàn toàn, thanh khoản thị trường suy giảm rất nhanh.
Đây cũng là nguyên nhân khiến hàng chục nghìn nhà đầu tư chứng khoán và bất động sản đu đỉnh "gặp nạn". Chứng khoán lao dốc không phanh, bất động sản ngưng mọi giao dịch, giá nhiều khu vực như Nam An Khánh, Mê Linh, Ba Vì (Hà Nội giảm chỉ còn một nửa. Hàng nghìn nhà đầu tư dùng đòn bẩy tài chính đầu tư đã phải bán tháo tài sản trả nợ ngân hàng.
Ở giai đoạn hiện nay, ông Quốc Anh cho rằng sự tăng trưởng có nhiều nét tương đồng nhưng cũng có những sự khác biệt rõ nét. Năm 2020, trong bối cảnh nền kinh tế chịu những tác động nặng nề của đại dịch Covid-19, thị trường suy giảm thanh khoản do sự hạn chế đi lại và nguồn cung mới. Một yếu tố rõ ràng là dòng vốn lại chuyển dịch sang chứng khoán sau đó lan sang BĐS.
Cũng theo ông Quốc Anh, từ tháng 1/2021 đến nay, nền kinh tế dần hồi phục và đặc biệt nhiều thông tin quy hoạch mới được công bố, tính thanh khoản thị trường tăng, nhiều nơi xuất hiện sốt đất. Liên tiếp những thông tin quy hoạch được đưa ra trong quý I/2021 khiến thị trường gần tái hiện đỉnh quan tâm của năm 2006 - thời điểm thị trường cũng đón nhiều thông tin quy hoạch.
Đánh giá về việc thị trường BĐS có sập như năm 2018, ông Nguyễn Quốc Anh cho rằng vết xe đổ lịch sử của năm 2009 sẽ không lặp lại. Một trong những yếu tố quan trọng góp vào câu chuyện thị trường giai đoạn 2006 - 2009 là tín dụng, khi tăng trưởng tín dụng bất động sản giai đoạn ấy lên tới 40%. Nhưng hiện nay, tín dụng được kiểm soát rất tốt.
"Theo phân tích cá nhân, tôi vẫn nghĩ đâu đó thị trường bất động sản Việt Nam sẽ dần dần quay lại giai đoạn 2014 - 2017 nhiều hơn là giai đoạn 2006 - 2009. Tôi vẫn có niềm tin thị trường bất động sản Việt Nam giống một đứa trẻ, phải có những bước vấp ngã đầu tiên, học hỏi kinh nghiệm, tiếp tục đi dài hơn, và lại ngã, và sẽ tiếp tục hiểu cách đi thế nào để bước dài hơn nữa", ông Quốc Anh Khẳng định.
Thị trường Việt Nam các chu kỳ sẽ càng ngày càng dài, với cách quản lý tốt hơn, người dân, nhà đầu tư khôn ngoan hơn, không chỉ nghe lời đồn nữa mà biết tìm kiếm thông tin, xác minh thông tin, phân tích, mọi thứ đều rõ ràng hơn... thì chặng đường chúng ta đi sẽ dài hơn rất nhiều", ông Quốc Anh nói.
Ông Quốc Anh cũng đưa ra lời khuyên cho nhà đầu tư, ăn theo thông tin hạ tầng, có những nơi giá đất tăng dựa trên nhu cầu và tiềm năng, cũng có nơi giá tăng bị thổi lên với những tin đồn và có thể tác động tiêu cực tới thị trường. Chẳng hạn, ở các khu vực như Bắc Giang, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh… đều là những địa phương có lợi thế phát triển bất động sản công nghiệp, nhiều khu công nghiệp được phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng, tạo ra hệ sinh thái, giá đất tăng là dựa trên nhu cầu thật.
"Còn với những khu vực có thông tin quy hoạch sân bay, trung tâm thương mại… giá đất tăng nóng, tăng liên tục trong một thời gian ngắn có thể xem là bị thổi, gây ra những tác hại xấu đến thị trường, đến xã hội mà chúng ta không thể lường trước được", ông Quốc Anh cho biết.
Theo Cafef.vn