Hội thảo “Áp dụng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 06:2020/BXD về an toàn cháy cho nhà, công trình; QCVN 04:2019/BXD nhà chung cư và các QCVN liên quan khác” đã thảo luận và chia sẻ các vấn đề cấp thiết, mang tính thời sự dưới góc độ pháp lý nhằm hỗ trợ các Chủ đầu tư, các Nhà tư vấn và các Nhà thầu xây dựng nắm rõ hơn về các yêu cầu thực tiễn của cơ quan Quản lý Nhà nước về thẩm định, thẩm duyệt, nghiệm thu thiết kế XD, PCCC và bàn giao công trình đưa vào sử dụng theo đúng quy định pháp luật.
Hội thảo do Công ty Cổ phần Tư vấn đầu tư và Thiết kế Xây dựng Việt Nam (CDC) phối hợp với Vụ Khoa học công nghệ & Môi trường Bộ Xây dựng và Báo Xây dựng tổ chức.
Phát biểu tại hội thảo, ông Lê Quang Hùng, Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết công tác PCCC cho công trình xây dựng, đặc biệt là nhà cao tầng luôn là việc cần phải được quan tâm hàng đầu để đáp ứng các yêu cầu về an toàn sinh mạng cho người sử dụng. Đối với các dự án đầu tư xây dựng công trình ngoài việc phải áp dụng các quy chuẩn, tiêu chuẩn thiết kế đặc thù theo từng loại công trình thì vấn đề an toàn sinh mạng cho người sử dụng buộc phải đáp ứng các yêu cầu khắt khe theo quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình. Việc áp dụng quy chuẩn này sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới suất đầu tư của công trình và tính khả thi của dự án.
Ông Lê Quang Hùng, Thứ trưởng Bộ Xây dựng phát biểu tại hội thảo
Ông Nguyễn Hồng Châu, Trưởng phòng Quản lí kĩ thuật, Công ty Cổ phần Tư vấn Đầu tư và Thiết kế xây dựng Việt Nam (CDC) đã kiến nghị một số vấn đề chưa thực sự rõ ràng và chưa nhất quán trong các quy chuẩn để cơ quan Quản lý Nhà nước có hướng giải quyết, tháo gỡ giúp các Chủ đầu tư, Tư vấn và Nhà thầu xây dựng thực hiện việc tuân thủ Quy chuẩn.
Ông Châu cho biết QCVN 04:2019/BXD là quy chuẩn mới, QCVN 06:2020/BXD là cập nhập bổ sung của QCVN 06:2010/BXD. Hai QCVN 04:2019 và QCVN 06:2020 có mối quan hệ chặt chẽ với nhau nên sẽ được thảo luận chung cùng với QCVN 13:2018/BXD.
Về kiến trúc, ông Châu kiến nghị khoảng cách thoát nạn 12m đố với hành lang cụt của nhà có chiều cao từ 75-150m là ngắn hơn với với quy định trong NFPA 5000 trong QCVN 06:2020/BXD.
Bên cạnh đó, về kết cấu điện, ông Châu kiến nghị xem lại thời gian cấp điện và giới hạn chịu lửa cho cáp điện trong QCVN 04:2019/BXD và QCVN:06/2020; bỏ yêu cầu về giới hạn chịu lửa của cáp điện trong QCVN 04:2019 để tránh mâu thuẫn với quy chuẩn 06:2020.
Về kết cấu nước, ông Châu đề nghị đính chính mục A.2.28.1 (Cấp điện cho hệ thống PCCC) trong QCVN 06:2020 cho phù hợp với giới hạn chịu lửa và thời gian chữa cháy của các hệ thống PCCC. Đề nghị xem xét lại điều 2.9.2.17 trong QCVN 04:2019/BXD để có thể áp dụng các loại ống UPVC, HDPE, PPR trong nhà.
Quang cảnh hội thảo
Ngoài ra, trong QCVN 13:2018/BXD và 06:2020/BXD rất nhiều điều sử dụng thuật ngữ khí. “Khí” là từ chung cho tập hợp các nguyên tử, phân tử hay các hạt nói chung trong đó các hạt có thể chuyển động tự do trong không gian nên phải phân biệt rõ không khí, khí đốt, khí môi chất lạnh, khí y tế… và tính chất hoàn toàn khác nhau. Về thuật ngữ gió tươi, không khí tươi, gió thải, khí thải cũng chưa có sự thống nhất trong các quy chuẩn về thông gió.
Đồng quan điểm, ông Hoàng Anh Giang - Viện Chuyên ngành Kết cấu công trình xây dựng, Bộ Xây dựng - cơ quan soạn thảo quy chuẩn thì QCVN 06:2010/BXD đã có nhiều vướng mắc khi áp dụng như thuật ngữ, khái niệm chưa quen thuộc (N1, lối ra thoát nạn, đặc tính kĩ thuật cháy, phân nhóm nhà…), những vướng mắc về ngôn ngữ diễn đạt trong QCVN 06:2010/BXD hoặc những vướng mắc từ cách tiếp cận khác nhau…
Do đó, QCVN 06:2020/BXD bổ sung và làm rõ một số quy định. Cụ thể như thuật ngữ, ngôn ngữ diễn đạt đã quy chuẩn, ngắn gọn hay các quy định cụ thể về yêu cầu chịu lửa đối với hệ trần treo, điều chỉnh bổ sung quy định đối với ống đổ rác. Đặc biệt, QCVN 06:2020/BXD cũng đã bổ sung một chương về cấp nước chữa cháy và nhiều nội dung khác… Đối với QCVN 04:2019/BXD nhà chung cư và các QCVN liên quan khác, một trong nhiều nội dung đổi mới đáng chú ý là cho phép xây dựng chung cư diện tích tối thiểu 25 m2.
Theo ThanhnienViet