Ngoài yếu tố tài chính và sự cạnh tranh của các kênh đầu tư khác, tâm lý chờ đợi giá giảm thêm cũng là một trong những lý do khiến nhu cầu sở hữu bất động sản (BĐS) liên tục tăng nhưng sức mua thực của thị trường lại thấp.
Nhu cầu sở hữu BĐS trong dân vẫn cao
Theo báo cáo thị trường tháng 8/2020 của khonhadat.vn cho thấy, bất chấp cao điểm tháng dịch Covid-19 bùng phát lần 2, nhu cầu tìm kiếm và quan tâm đến BĐS vẫn duy trì ở mức cao. Gần như không giảm nhiều so với các tháng phục hồi trước đó. Cụ thể, so với cao điểm tháng 7, nhu cầu tìm kiếm nhà đất cả nước trong tháng 8 có xu hướng tăng mạnh trở lại dù cả nước đang phòng tránh dịch và thị trường có phần yên ắng hơn vì tháng Ngâu.
Dù giao dịch thực giảm nhưng sự quan tâm dành cho nhà đất vẫn đang tăng cao trong tháng 8/2020. Ảnh minh họa
Cụ thể, tổng lượng quan tâm BĐS tháng 8 tăng thêm 6%, tại Hà Nội, lượng tin rao bán nhà dù bị giảm 2% so với tháng trước, nhu cầu tìm kiếm nhà đất lại tăng đột biết lên đến 13%. Tương tự, tại TP.HCM do rơi vào tháng Ngâu nên lượng sản phẩm nhà đất chào bán giảm gần 8% so với tháng trước nhưng nhu cầu tìm mua lại tăng gần 6%. Với các tỉnh thành khác, ngoại trừ Đà Nẵng ghi nhận mức giảm sâu, hầu hết mức độ quan tâm với thị trường nhà đất chỉ giảm khoảng từ 3-10%. Đây là dấu hiệu khá tích cực khi mà hầu hết các hoạt động kinh tế, du lịch, giải trí gần như chững lại vì tác động của dịch bệnh, các chủ đầu tư trì hoãn bán hàng và chuyển sang hình thức online.
Chia sẻ về tình hình nhu cầu nhà ở tại Việt Nam, ông Nguyễn Quốc Anh, P.TGĐ khonhadat.vn cho biết, không tính các thành thị đang tăng trưởng, chỉ tính riêng tại hai đô thị lớn là TP.HCM và Hà Nội, nhu cầu nhà ở đang rất lớn. Tại Hà Nội, tốc độ tăng trưởng dân số trung bình hiện là 2,2%, ở TP.HCM con số này là 2,3%. Mỗi năm Hà Nội cần phát triển ít nhất 67.333 đơn vị nhà ở có diện tích trung bình 70m2 và TP.HCM là 57.363 đơn vị.
Theo ước tính, phân khúc nhà ở cho các gia đình hạt nhân luôn tăng đều đặn khoảng 20% mỗi năm tại các thành phố có tốc độ đô thị hóa hàng đầu thế giới như TP.HCM, Hà Nội. Do đó, bất chấp dịch bệnh hay biến cố nào xảy ra với kinh tế vĩ mô, nhu cầu mua nhà để ở là không thay đổi.
Người mua nhà vẫn ngóng chờ nhà đất giảm giá
Nhu cầu về nhà ở là rất lớn nhưng giao dịch BĐS trong các tháng qua lại không hề cao. Báo cáo tình hình nhà ở và thị trường bất động sản quý 2/2020 từ Bộ xây dựng cho thấy, tại TP.HCM có 3.958 giao dịch thành công, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ 2019. Số liệu từ CBRE Việt Nam cũng chỉ ra, tỷ lệ tiêu thụ các sản phẩm căn hộ tại TP.HCM trong quý 2/2020 chỉ đạt khoảng 1.581 căn hộ, giảm 58% so với quý trước và 66% so với cùng kỳ năm trước.
Tâm lý chờ giá nhà giảm khiến nhiều khách hàng dù có nhu cầu vẫn chưa quay lại với thị trường. Ảnh minh họa.
Lý giải nguyên nhân này, các chuyên gia nhận định, tâm lý thận trọng và sự thiếu hụt nguồn hàng đang khiến người mua nhà đắn đo với BĐS. Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM cho rằng, hiện nay tham gia vào thị trường chủ yếu vẫn là những nhà đầu tư có kinh nghiệm. Họ hiểu thị trường và thấy được cơ hội khi nhà đất khó khăn. Riêng với những nhà đầu tư mới, việc nguồn hàng thiếu sự đa dạng, nhất là sản phẩm trung cấp, bình dân sẽ tạo ra tâm lý khá e dè. Họ vẫn chờ đợi đến thời điểm mà nguồn cung bung ra dồi dào hơn, nhiều sự lựa chọn hơn, thay vì liều lĩnh.
Bên cạnh tâm lý thận trọng khi "xuống tiền" với BĐS thì tâm lý chờ nhà đất xuống giá cũng đang kéo sức mua của thị trường lúc này, không chỉ dân đầu tư mà cả với người mua ở thực. Nhiều khách mua BĐS ở thời điểm này cho rằng, với làn sóng Covid thứ 2 giá BĐS có thể sẽ giảm sâu ở một số phân khúc nên quyết định nghe ngóng thêm để mua được giá hời.
Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, trong bối cảnh dịch Coivid được kiếm soát tốt, thị trường khan cung cùng với thông tin hạ tầng ngày một tích cực, giá BĐS rất khó có chuyện giảm sâu mà có thể sẽ tiếp tục tăng trong các tháng cuối năm khi nguồn cung sơ cấp mới đổ bộ thị trường. Vì thế, điều quan trọng nhất ở thời điểm này với người mua là nên tìm hiểu kỹ càng thông tin, đối chiếu, so sánh giá. Nếu nhận biết được sản phẩm phù hợp với tài chính thì cần quyết định xuống tiền để tránh đánh mất cơ hội.
Theo ThanhnienViet