Trang mua bán nhà đất hàng đầu Việt Nam

Quy hoạch 1.000 siêu thị: Liệu có theo “vết xe” cải tạo chợ cũ?

Cập nhật: 29/09/2014 13:41

Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Hà Nội, TS.Đào Ngọc Nghiêm băn khoăn về tính khả thi của dự án và quỹ đất cho 1.000 siêu thị các loại, vì thành phố còn bao nhiêu quy hoạch khác về trường học, bệnh viện, công trình dân sinh….

Tiền đâu xây nghìn siêu thị?

Theo thống kê của Sở Công Thương Hà Nội, đến hết năm 2012, trên địa bàn TP.Hà Nội có khoảng 110 siêu thị, 20 trung tâm thương mại (TTTM), tập trung chủ yếu tại các quận nội thành. 

Còn theo định hướng của Sở Công Thương tham mưu cho thành phố đến năm 2020, định hướng 2030, trên địa bàn Thủ đô sẽ có khoảng 999 siêu thị, 64 TTTM.

Cụ thể, tại đô thị trung tâm sẽ có 19 siêu thị hạng 1 (đại siêu thị), 82 siêu thị hạng 2, 530 siêu thị hạng 3. Đô thị vệ tinh sẽ có 4 siêu thị hạng 1, 26 siêu thị hạng 2, 308 siêu thị hạng 3. Các thị trấn sẽ có 3 siêu thị hạng 2, 27 siêu thị hạng 3.

Với mức đầu tư từ nay tới năm 2020 là 6.000 tỷ đồng/năm và 10.000 tỷ đồng/năm sau năm 2020 thì Hà Nội sẽ lấy đâu tiền để xây siêu thị và TTTM? Bà Trần Thị Phương Lan, Phó giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, cho biết: "Phần lớn số tiền kêu gọi từ các kênh đầu tư chứ không phải toàn bộ từ ngân sách nhà nước".

Siêu thị không thể thay thể  chợ truyền thống

Hàng trăm siêu thị "lên đời" từ cửa hàng tiện ích

Quy hoạch xây dựng tới hàng ngàn siêu thị quả là rất lớn, thông tin này nhận được nhiều sự quan tâm từ các chuyên gia và người dân. Theo GS-TS. Đặng Đình Đào, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và Phát triển, ĐH Kinh tế Quốc dân (Hà Nội), việc xây dựng siêu thị liên quan đến quỹ đất, nguồn vốn, hệ thống cơ sở hạ tầng, kết cấu… như giao thông, đường sá, bãi đỗ xe, kho vận... Vì thế, ông Đào cũng lo ngại vấn đề sắp xếp quỹ đất cho số lượng siêu thị quá lớn bởi đất đai trong các khu nội đô vốn đã rất căng thẳng.

Đây cũng là băng khoăn của TS.Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Hà Nội. Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Phương Lan cho biết, không xây dựng siêu thị, TTTM dựa trên việc sử dụng quỹ đất mới hoàn toàn mà sẽ sử dụng khu vực chân đế tại các tòa nhà ở các khu vực đang đô thị hóa để phát triển siêu thị.

Ở góc độ một tiểu thương, chị Huỳnh Thu (phố Hàng Đường, Hà Nội) sau khi đọc thống kê của thành phố về hiện trạng siêu thị, TTTM hiện nay cho biết: "Có thể thấy, đa phần siêu thị sẽ là các siêu thị loại 3, tức là siêu thị nhỏ, phục vụ ít dân, diện tích mặt bằng khoảng 400m2 trở lên. Trong danh sách, tôi thấy các siêu thị như Bibomart, siêu thị đồng hồ Đăng Quang, siêu thị thể thao Sport 1… thực tế chỉ nhỉnh hơn cửa hàng tiện ích tự chọn tí chút, chứ phương thức phục vụ cũng không có gì mới. Như thế này, với sự phát triển mạnh mẽ thị trường bán lẻ, có khi trong 10 - 15 năm tới số lượng các siêu thị nhỏ còn có thể lớn hơn số lượng quy hoạch - cũng là do thị trường đào thải mà thôi".

Theo ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, 87% người dân Hà Nội mua hàng thực phẩm, tiêu dùng trong các chợ cóc, chợ tạm, chợ truyền thống. Ông Phú đề xuất không nên mở nhiều đại siêu thị bởi chi phí quá lớn, chỉ nên mở siêu thị nhỏ, cửa hàng mini, tự chọn. Còn GS.TS Đặng Đình Đào cho rằng, siêu thị không thể thay thế hoàn toàn chợ truyền thống được nên cần xem xét quy hoạch cho hợp lý.

Đại diện của Sở Công Thương Hà Nội cũng cho biết sẽ không xóa bỏ chợ truyền thống ở ngoại thành mà phát triển song song hệ thống bán lẻ hiện đại nhằm từng bước xây dựng thói quen cho người dân, phát triển lan tỏa và thu hút các nhà đầu tư…

Dừng triển khai mô hình chợ kết hợp với TTTM

Hiện Hà Nội có 5 chợ kết hợp với TTTM đã đưa vào sử dụng, 2 chợ xây dựng thành TTTM khác chuẩn bị được đưa vào hoạt động và 3 chợ dự định xây thành TTTM bị hủy bỏ. Bà Nguyễn Thị Phương Lan - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội - cho biết, sau khi nhận thấy việc chuyển đổi chợ thành TTTM hiệu quả không cao, Sở Công Thương Hà Nội đã đánh giá lại và báo cáo UBND TP về những mặt được và chưa được của mô hình này, đồng thời, kiến nghị lãnh đạo thành phố, với các công trình chưa khởi công thì tiến hành rà soát lại quy mô, năng lực tài chính của các chủ đầu tư và TP đã cho dừng mô hình này.

Cải tạo chợ cũ thành TTTM thất bại do xác định sai chức năng

Theo đánh giá của ông Lê Anh Tuấn - một người có kinh nghiệm trong lĩnh vực thương mại ở Hà Nội và Kiến trúc sư Lê Minh Hải thì một trong những nguyên nhân khiến các TTTM chuyển đổi từ chợ truyền thống không thành công là do đã xác định sai mục đích dự án, khiến cho thiết kế không phù hợp với công năng. Vì TTTM được coi là một phân khúc bất động sản, nên việc chuyển đổi chợ cũ thành TTTM được giao cho các nhà phát triển bất động sản - mà hầu hết không có chuyên môn về thương mại. Vì thế, cả phần chợ truyền thống và phần TTTM đều không được chú trọng thiết kế phù hợp với công năng, không tiện lợi cho cả người mua và người bán, không phù hợp với truyền thống mua bán của người Việt, dẫn đến không mang lại hiệu quả.

Quy mô siêu thị được xác định như sau:

-Hạng 1: Phục vụ khoảng 300 nghìn khách hàng, bán kính 2 - 3km, diện tích khoảng 6.000m2, hàng hóa đa dạng;
-Hạng 2: Phục vụ khoảng 50 - 100 nghìn khách hàng, bán kính 1 - 2km, áp dụng phương pháp bán hàng tự chọn, chủ yếu bán các mặt hàng đại chúng, diện tích từ 2.500m2 trở lên;
-Hạng 3: Phục vụ khoảng 4 - 20 nghìn khách hàng, bán kính 0,5 km, phương pháp bán hàng tự chọn, chủ yếu bán thực phẩm, hải sản, thực phẩm phụ, đồ dùng sinh hoạt hàng ngày, diện tích 400- 1000m2.

(Theo PLVN)

TIN CŨ HƠN
CHỦ ĐỀ KHÁC
TIN ĐƯỢC QUAN TÂM