Trang mua bán nhà đất hàng đầu Việt Nam

Tin tức bất động sản nổi bật tuần từ 12/10-18/10

Cập nhật: 20/10/2014 11:11

Thị trường tuần qua ghi nhận một số thông tin nổi bật đáng chú ý sau: Chênh giá bất động sản: Hà Nội có, Tp.HCM không?; Thị trường bất động sản đang lạc quan thái quá?; Chung cư tại Hà Nội ồ ạt mở bán, chênh "khủng" hết thời; Vì sao nhà đất Hà Nội đắt hơn Tp.HCM?; Cán bộ công chức sẽ được vay tối đa 1,05 tỷ đồng mua nhà ở; Chủ dự án "ôm nợ" vì bán nhà cho giới đầu cơ…

Mặc dù xu hướng đẩy giá BĐS “ăn chênh” xuất hiện tại Tp.HCM rồi lan ra Hà Nội, nhưng thị trường Tp.HCM dường như đang cho chúng ta thấy bước phát triển chuyên nghiệp, minh bạch hơn bởi hiện tại, hầu như trên thị trường không còn tình trạng đầu cơ đẩy giá. Trong khi đó, tại Hà Nội, một nghịch lý đang xảy ra là bên cạnh nhiều dự án rất khó bán, cần hạ giá, tăng khuyến mại để kích cầu thì tình trạng ôm hàng “ăn chênh” vẫn xuất hiện ở không ít các dự án khác.

Tại Hà Nội, những căn hộ có diện tích vừa phải với giá trị khoảng trên dưới 1 tỷ đồng/căn luôn có lượng cầu rất lớn, cung không đáp ứng đủ cầu. Chính vì thế, không ít dự án trước khi chính thức chào bán ra thị trường đã được sàn giao dịch gom cả dự án rồi bán lại kiếm tiền chênh.

Trong khi đó, thị trường căn hộ tại Tp.HCM hiện tại hầu như không có giá chênh. Thậm chí nhiều dự án còn đang có mức chiết khấu hoặc giảm giá từ 10-30%, tặng nhiều ưu đãi cho khách hàng.

Thị trường bất động sản Tp.HCM đang phát triển chuyên nghiệp hơn thị trường Hà Nội

Thị trường bất động sản đang lạc quan thái quá?

Thị trường bất động sản đang được khoác lên mình một chiếc áo màu hồng tươi sáng với liên tiếp các báo cáo công bố nhiều số liệu tích cực.

Bộ Xây dựng cho biết, từ đầu năm đến nay, tại Hà Nội, chỉ riêng phân khúc căn hộ đã bán được trên 6.500 căn, trong đó quý III/2014 là khoảng 2.500 căn, tăng 2% so với quý trước đó. Giá cũng đang có chiều hướng tăng nhẹ, ngay cả đối với phân khúc trung - cao cấp vốn kén khách hàng. Một số DN mạnh dạn công bố giá bán tại nhiều dự án đã tăng thêm khoảng 15 - 16%, giá chênh cũng được “cò” thổi lên ở một vài dự án. Phân khúc biệt thự, liền kề cũng có dấu hiệu tăng cả về giá bán và số lượng giao dịch, sau 5 quý liên tiếp gần như “đóng băng”.

Nhìn những con số nêu trên, hẳn những nhà đầu tư, nhà quản lý và cả khách hàng đều cảm thấy tương lai của thị trường bất động sản rất tươi sáng. Tuy nhiên, sức khỏe của thị trường còn phụ thuộc vào những yếu tố nền tảng, là cái gốc, chứ không chỉ phần ngọn là những giao dịch được công bố hồ hởi trong thời gian gần đây.

Chung cư tại Hà Nội ồ ạt mở bán, chênh "khủng" hết thời

Thị trường bất động sản (BĐS) vài năm gần đây rơi vào cảnh khó khăn, thanh khoản vẫn hạn chế dù giá bán giảm mạnh. Trước thực tế đó nhiều doanh nghiệp đã phải cơ cấu lại sản phẩm theo hướng phát triển những dự án ở phân khúc bình dân, diện tích nhỏ, phù hợp với nhu cầu của số đông khách hàng có nhu cầu nhà ở để tồn tại.

Tuy nhiên, việc chuyển hướng này lại khiến nhiều dự án bình dân được ở bán ồ ạt ra thị trường cùng thời điểm, sự cạnh tranh càng tăng cao. Nhiều chủ đầu tư phải tung "chiêu" tặng quà, khuyến mãi để thu hút khách hàng. Đặc biệt, những dự án có tiền chênh thì mức chênh cũng giảm mạnh so với trước đây.

Một số dự án vốn nổi tiếng về giá chênh “khủng” tại quận Hoàng Mai, chênh đến hàng trăm triệu đồng mỗi căn hộ nay cũng đã "giảm nhiệt". Cụ thể, giá gốc phổ biến ở mức 14-15,5 triệu đồng/m2 thì cũng chỉ còn 20- 80 triệu đồng/căn giá chênh hiện chào bán trên thị trường.

Vì sao nhà đất Hà Nội đắt hơn Tp.HCM?

Đa số những người được hỏi đều thừa nhận giá trị BĐS ở Hà Nội thường vượt xa Tp.HCM. Một căn hộ trung cấp ở trung tâm Hà Nội có giá khoảng 30-33 triệu đồng/m2, trong khi cùng vị trí trung tâm, cùng thuộc phân khúc này ở Tp.HCM lại chỉ có giá khoảng 26-27 triệu đồng/m2.

Khi thị trường BĐS gặp khó khăn, giá căn hộ ở khu vực nội đô Hà Nội vẫn kiên trì giữ giá, có giảm thì chỉ giảm 2-3 giá, mức giảm không đáng kể. Trong khi đó, có nhiều DN phát triển dự án nhà ở thương mại tại Tp.HCM đã giảm giá bán lên tới 30 - 50% so với lúc mở bán.

Lý giải về việc giá BĐS Hà Nội luôn cao hơn Tp.HCM, đầu tiên phải kể đến yếu tố tư duy, quan điểm sống của khu vực đồng bằng sông Hồng. Tâm lý, mục đích phấn đầu của cư dân Bắc bộ luôn luôn là "an cư lạc nghiệp".

Cán bộ công chức sẽ được vay tối đa 1,05 tỷ đồng mua nhà ở

Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã lấy ý kiến dự thảo lần 2 Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều tại Thông tư số 11/2013/TT-NHNN về việc cho vay hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết 02 của Chính phủ ban hành trước đó.

Theo đó, NHNN đã bổ sung đối tượng thu nhập thấp được vay mua nhà ở thương mại vào bản dự thảo lần thứ 2 này. Bên cạnh đó, cán bộ viên chức, công chức... nếu có đất ở phù hợp với quy hoạch cũng được vay để cải tạo sửa chữa hoặc xây nhà ở. Cá nhân, hộ gia đình có phương án xây mới hoặc đầu tư cải tại nhà ở xã hội cho các đối tượng là người lao động, công nhân tại các khu công nghiệp thuê, mua... cũng là đối tượng được vay. Khách hàng cải tạo sửa chữa hoặc xây mới lại nhà được vay không vượt quá 700 triệu đồng.

Quy hoạch trường Đại học Thủ đô Hà Nội rộng 43 ha

Ngày 15/10 vừa qua, Sở Quy hoạch-Kiến trúc đã công bố quy hoạch chi tiết 1/500 trường đại học Đại học Thủ đô Hà Nội trên cơ sở nâng cấp trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội và trường Cao đẳng cộng đồng Hà Nội.

Trường sẽ được xây dựng trên địa bàn xã Dục Tú và Mai Lâm (huyện Đông Anh) với tổng diện tích khu đất nghiên cứu quy hoạch gần 43 ha, có thể đáp ứng quy mô đào tạo khoảng 9.500 sinh viên.

Chủ dự án "ôm nợ" vì bán nhà cho giới đầu cơ

Thay vì việc muốn bán nhà cho các nhà đầu tư thì các chủ đầu tư hiện nay đa phần thích bán trực tiếp cho người cần mua nhà để ở bởi "tiền tươi thóc thật".

Thời thị trường bất động sản vàng thau lẫn lộn, nhà nhà đổ xô đầu tư bất động sản. Các nhà đầu tư đua nhau hùn vốn đầu tư để thổi giá bất động sản nhắm kiếm lời, bỏ túi. Tuy nhiên, sau cơn bão thị trường, giờ tại nhiều dự án bất động sản "tàn dư" mà giới đầu tư gây ra vẫn còn đó. Giờ là lúc, chủ đầu tư đau đầu giải quyết hệ lụy tàn khốc này.

Một chủ đầu tư khu đô thị Hà Đông cho biết, năm 2011 dự án này bung ra bán khoảng 550 căn nhà liền kề, biệt thự. Chỉ trong vòng 2 tháng, toàn bộ số lượng hàng được bán hết. Chủ đầu tư vui mừng khôn xiết vì đã bán hết hàng, có nguồn tiền triển khai dự án đúng tiến độ. Thời điểm đó, giới đầu cơ và môi giới nhà đất cũng trúng lớn bằng việc mua đi, bán lại các căn hộ thuộc dự án. Có nhà đầu tư trúng quả tung tiền găm 2, 3 căn liền kề, biệt thự để chờ thị trường lên nữa để "gấp thếp" tiền lãi.

Doanh nghiệp bất động sản đổ về vùng ven

Khi mà quỹ đất nội thành ngày càng khan hiếm và chủ yếu để dành cho các dự án căn hộ hạng sang, khu vực ngoại thành với quỹ đất nhiều và giá rẻ đang trở thành điểm đến của cả nhà đầu tư và người mua nhà đất ở.

Thời gian gần đây hàng loạt dự án nhà đất đang được đầu tư xây dựng, từ cao cấp cho đến bình dân đều chủ yếu tập trung ở khu vực ngoại thành, vùng ven Tp.HCM. Quận 2, quận 7, quận 9, quận 12, Tân Phú, Thủ Đức, Bình Tân, Bình Chánh là những quận có tốc độ đô thị hóa mạnh, hạ tầng đầu tư vượt bậc trong thời gian qua và quỹ đất còn khá dồi dào nên nhanh chóng trở thành khu vực được các doanh nghiệp săn tìm, tập trung số lượng dự án đông đảo nhất. 

Hạ tầng đang là yếu tố đóng vai trò cốt lõi trong việc tái sinh cho các dự án ngoại thành. Tốc độ đô thị hóa ngày cành nhanh của khu vực vùng ven cộng thêm hàng loạt công trình hạ tầng kết nối với trung tâm thành phố giúp giao thông không chỉ thuận lợi, nhanh chóng mà còn là đòn bẩy cho sự phát triển kinh tế khu vực trong tương lai. Điều này đã lôi kéo cả chủ đầu tư lẫn người mua đổ về ngoại thành săn đất, mua nhà với giá mềm.

Nguyễn Hiền (TH)

TIN CŨ HƠN
CHỦ ĐỀ KHÁC
TIN ĐƯỢC QUAN TÂM