Hỏi: Trước năm 1975, gia đình tôi có thửa đất do ông bà cha mẹ để lại tại thôn Giao Hội 2, xã Hoài Tân, Hoài Nhơn, Bình Định. Đất vốn bị đặt mìn, dây thép gai bảo vệ khu quân sự (sân bay). Sau năm 1975, gia đình tôi cải tạo mặt bằng, tháo gỡ thu gom bom mìn và dần đưa vào sử dụng, trồng hoa màu.
=> Làm giấy tờ đất được tặng cho khi có tranh chấp
=> Yêu cầu tháo dỡ nhà để trả đất cho trường?
Trong thời gian tôi đi học tập cải tạo, ông C. chiếm dụng, trích một phần đất cất nhà, đất còn lại (trước nhà tôi hiện giờ) để sản xuất. Năm 1977, Nhà nước có chủ trương vào hợp tác xã (HTX), tôi đem tất cả số ruộng vào HTX, còn phần đất của ông bà, cha mẹ để lại tôi không đăng ký vào HTX.
Năm 1984, HTX Giao An bảo chừa khoản đất ông C. chiếm dụng để làm kênh mương và chuyển ông C. ra phía sau nhà tôi ở (đất này cũng của tôi). Tôi không đồng ý vì lý do đất này đã lập vườn, trồng cây nhưng HTX vẫn đo, lập biên bản, yêu cầu tôi ký. Tôi không ký biên bản, yêu cầu nếu ông C. ra sau nhà tôi ở thì phần đất trước nhà tôi làm kênh mương xong còn dư bao nhiêu phải trả lại cho tôi canh tác nhưng không được.
Cuối cùng, chính quyền dùng biện pháp cưỡng chế để ông C. cất nhà, xong họ yêu cầu tôi ký biên bản nhưng tôi vẫn không ký. Năm 2002 con ông C. tự ý làm tiệm sửa chữa xe môtô trên mảnh đất trước nhà tôi (mảnh đất bảo làm kênh mương), tôi ngăn cản và nhờ chính quyền xã đến giải quyết nhưng chính quyền không giải quyết.
Tôi không công nhận quyết định của UBND huyện Hoài Nhơn nói rằng đất tôi đã đưa vào HTX nay thuộc HTX quản lý. Mặc dù đã rất nhiều lần viết đơn yêu cầu cơ quan cấp huyện cung cấp những văn bản chứng minh đất tôi đã vào HTX nhưng chỉ nhận lá đơn yêu cầu tôi tới xã Hoài Tân giải quyết.
Tôi viết đơn lên xã thì bảo chuyển lên huyện giải quyết, cứ thế 36 năm trôi qua. Giờ tôi phải làm sao để lấy lại đất. Mong được luật sư tư vấn. Chân thành cảm ơn.
Khoa Nguyen (khoa_nguyen_t@...)
Trả lời
Theo quy định của pháp luật đất đai, tranh chấp quyền sử dụng đất mà đất tranh chấp chưa được cấp giấy chứng nhận thì thẩm quyền giải quyết là UBND các cấp.
Theo quy định tại điều 135 Luật đất đai, tranh chấp đất đai mà các bên tranh chấp không hòa giải được thì gửi đơn đến UBND xã, phường, thị trấn nơi có đất tranh chấp để yêu cầu tổ chức hòa giải. Thời hạn tổ chức hòa giải là 30 ngày làm việc, kể từ ngày UBND xã, phường, thị trấn nhận được đơn.
Kết quả hòa giải tranh chấp đất đai phải được lập thành biên bản có chữ ký của các bên tranh chấp và xác nhận của UBND thị trấn nơi có đất.
Trường hợp kết quả hòa giải khác với hiện trạng sử dụng đất thì UBND thị trấn chuyển kết quả hòa giải đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền để giải quyết theo quy định về quản lý đất đai.
Trường hợp quá 30 ngày làm việc mà buổi hòa giải không được tổ chức, hoặc được tổ chức nhưng không hòa giải thành, theo quy định tại điều 136 Luật đất đai, các bên có thể nộp đơn đến chủ tịch UBND cấp huyện để được giải quyết.
Trường hợp chủ tịch UBND cấp huyện giải quyết lần đầu mà một bên hoặc các bên đương sự không đồng ý với quyết định giải quyết thì có quyền khiếu nại đến chủ tịch UBND cấp tỉnh giải quyết. Quyết định của chủ tịch UBND cấp tỉnh là quyết định giải quyết có hiệu lực thi hành.
UBND các cấp sẽ căn cứ vào pháp luật đất đai, tình hình sử dụng đất tại đia phương cũng như xem xét các chứng cứ như nhận chuyển nhượng (mua bán) và hơn hết là ai đang trực tiếp và có nhu cầu sử dụng đất thì UBND các cấp sẽ căn cứ vào đó mà giải quyết.
Trường hợp tranh chấp quyền sử dụng đất của ông đã được huyện Hoài Nhơn giải quyết lần đầu, nếu không đồng ý với quyết định này thì ông tiếp tục khiếu nại lên chủ tịch UBND tỉnh Bình Định để được giải quyết theo quy định.
Trân trọng.
Luật sư Huỳnh Văn Nông (www.shlaw.vn)
(Theo TTO)