Trang mua bán nhà đất hàng đầu Việt Nam

Bấp bênh sau tái định cư

Cập nhật: 11/11/2013 14:18

So với trước khi bị giải tỏa, trong 1.200 hộ dân tái định cư được khảo sát, chỉ 38% cải thiện việc làm và 36% cải thiện thu nhập.

Sáng 7/11, Cục Thống kê Tp.HCM đã có buổi làm việc với Ban Văn hóa - Xã hội (VH-XH) HĐND Tp.HCM nhằm đánh giá chất lượng cuộc sống của người dân sau khi tái định cư (TĐC). Cùng ngày, Ban VH-XH cũng thực hiện giám sát tại Sở Xây dựng. Kết quả cho thấy đời sống của người dân sau khi TĐC vẫn bấp bênh dù chỗ TĐC được đánh giá là có phần tốt hơn nơi ở cũ.

Mất kế sinh nhai

Khảo sát được thực hiện bởi Cục Thống kê và Sở LĐ-TB-XH Tp.HCM với 1.200 hộ dân thuộc các dự án đã di dời trên địa bàn các quận 2, 9, 12, Bình Thạnh, Gò Vấp, Thủ Đức, Bình Tân và các huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè, Cần Giờ.

Chung cư tái định cư Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, Tp.HCM

Phân tích ý kiến của các hộ được khảo sát, đại diện Cục Thống kê cho biết 38% số hộ có cải thiện hơn so với trước về việc làm, 45,5% nhận định vẫn như cũ và 16,5% giảm sút. Nguyên nhân chính được đại diện Cục Thống kê lý giải: Do giải tỏa nên mất đất sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi; chỗ ở mới quá xa so với nơi làm việc; mất mặt bằng kinh doanh (lúc trước nhà ở mặt tiền nên có điều kiện buôn bán); phần lớn lao động không có trình độ cao, làm công việc chân tay nên khi thay đổi chỗ ở rất khó tìm việc làm.

Kết quả khảo sát về thu nhập cũng cho thấy tỉ lệ số hộ có cải thiện so với trước khi giải tỏa cũng không cao, chỉ 36%. Trong khi đó, đến 26% số hộ bị giảm sút và 37,8% có thu nhập như cũ. “Thay đổi chỗ ở nên phải chuyển đổi nghề khác khiến thu nhập thấp hơn, rồi mất mặt bằng cho thuê nhà trọ, không còn đất sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi…” - Cục Thống kê phân tích.

Một vấn đề đáng lưu ý được 2 đơn vị thực hiện điều tra xã hội học nêu ra tại buổi giám sát là tỉ lệ người dân muốn đào tạo nghề quá thấp. Theo đó, chỉ 115 người/1.200 hộ có nhu cầu đăng ký học nghề. Nguyên nhân là do hầu hết người bị thu hồi đất lớn tuổi, trình độ thấp nên ngại học nghề; những nơi TĐC hầu như không có nhà máy hay xí nghiệp nên không khuyến khích được việc học nghề; kinh phí hỗ trợ học nghề thấp (3 triệu đồng/khóa học).

Tất cả những nguyên nhân này đã phần nào lý giải vì sao thu nhập và việc làm của người dân sau khi TĐC rất bấp bênh.

Lo “ế” nhà tái định cư

Lãnh đạo Sở Xây dựng Tp.HCM cho biết trong giai đoạn 2007-2012, TP triển khai 191 dự án trọng điểm với hơn 44.400 hộ bị ảnh hưởng. Trong đó, khoảng 24.000 hộ bị ảnh hưởng toàn phần có nhu cầu TĐC. Cùng với chính sách kêu gọi xã hội hóa đầu tư xây dựng nhà TĐC, TP đã đầu tư xây dựng và mua lại 8.099 căn hộ, 83 nền đất từ 83 dự án. Sau khi rà soát, Sở Xây dựng kiến nghị UBND TP điều chuyển 1.805 căn TĐC không còn nhu cầu sử dụng (diện tích 36-70 m2) bố trí cho nhà ở xã hội.

Phó Ban VH-XH, bà Thi Thị Tuyết Nhung, bày tỏ lo ngại khi không ít chung cư vẫn còn trống vì chưa bố trí TĐC. Bà Nhung đơn cử chung cư TĐC Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh) hay Phú Mỹ (quận 7), các hộ dân không chịu vào ở. “TP xây dựng chung cư nhưng người dân lại đi nơi khác mua đất xây dựng trái phép. Đã có trường hợp mua đất nông nghiệp rồi xây dựng trái phép nên bị cưỡng chế trong đợt vừa qua” - bà Nhung nêu nghịch lý. Theo bà, đây là vấn đề lớn mà các sở, ngành TP phải suy nghĩ.

Dù được phản ánh nhiều nhưng theo bà Nhung, tình trạng hạ tầng đầu tư thiếu đồng bộ, chung cư xây rồi nhưng chưa có đường vào, chưa có trường học… cũng là tồn tại gây bức xúc cho người dân mà chính quyền TP cần quan tâm giải quyết.

Theo Cục Thống kê Tp.HCM, phần lớn các gia đình đều hài lòng với chỗ TĐC. Trong đó, số hộ đánh giá có cải thiện so với trước chiếm tỉ lệ 62,8%, có 21,8% cho rằng vẫn như cũ và 10% giảm sút so với trước.

Sợ chung cư vì quá nhiều phí!

Kết quả điều tra, khảo sát cho thấy những người bị giải tỏa được TĐC ở nhà khang trang hơn, môi trường sống tốt hơn. Song, ngoài chi phí trả góp căn hộ, họ còn phải trả quá nhiều loại phí (bảo vệ, gửi xe, đổ rác, phụ thu tiền điện, bơm nước…). Những hộ vay quỹ hỗ trợ đào tạo và giải quyết việc làm cho người có đất bị thu hồi còn phải trả nợ. “TĐC mà phải trả nhiều phí như vậy thì quả là gánh nặng rất lớn” - đại diện Cục Thống kê Tp.HCM nhận định.

Một con số cũng khiến nhiều người quan tâm là 69/1.200 hộ dân do tiền đền bù thấp nên phải mua nhà nằm trong khu vực quy hoạch dù biết rủi ro.

(Theo NLĐ)

TIN CŨ HƠN
CHỦ ĐỀ KHÁC
TIN ĐƯỢC QUAN TÂM