Sau một thời gian triển khai, gói hỗ trợ 30.000 tỷ mới giải ngân được 1%. Do đó, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản gửi 5 ngân hàng được chỉ định triển khai gói 30.000 tỷ phải chủ động tiếp cận, hướng dẫn và giải ngân nhanh.
=> Bộ Xây dựng đề xuất 9 dự án nhà xã hội được vay 530 tỷ đồng
=> Giải ngân gói 30.000 tỷ chậm: Ngân hàng Nhà nước và Bộ Xây dựng đổ lỗi cho nhau
Sau hơn 4 tháng triển khai, gói 30.000 tỷ đồng chỉ mới giải ngân chưa được 1%. Nguyên nhân một phần do điều kiện quy định còn ngặt nghèo, mặt khác do quỹ nhà ở giá rẻ còn hạn chế.
Chính vì thế, Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các ngân hàng có văn bản báo cáo đánh giá về các khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân việc cho vay đối với cá nhân mua, thuê, thuê mua nhà còn hạn chế; khả năng giải ngân đối với các doanh nghiệp đã được đăng ký và tiếp cận với những dự án mới trong thời gian tới…
Ngoài ra, định kỳ hàng tháng, các ngân hàng báo cáo Ngân hàng Nhà nước bổ sung về tỷ lệ hồ sơ xét duyệt cho vay trên tổng hồ sơ tiếp nhận của khách hàng; tỷ lệ khách hàng đã được nhận bàn giao nhà trên tổng số khách hàng đã được giải ngân.
Để đẩy nhanh tiến trình giải ngân, Bộ xây dựng cũng vừa ban hành Thông tư 18 cho phép mở rộng đối tượng được tham gia gói 30.000 tỷ này.
Theo đó, với doanh nghiệp, bên cạnh các đối tượng cũ thì hiện những chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở sinh viên, công nhân khu công nghiệp cũng được vay vốn.
Với cá nhân, Thông tư 18 quy định về đối tượng và hộ gia đình chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình, hoặc có nhà ở nhưng diện tích quá chật chội, có nhà ở là căn hộ chung cư, nhưng diện tích nhà ở bình quân của hộ gia đình thấp hơn 8m2 sử dụng/người; Có nhà ở riêng lẻ, nhưng diện tích nhà ở bình quân của hộ gia đình thấp hơn 8m2 sử dụng/người… sẽ được vay gói ưu đãi 30.000 tỷ đồng.
Trường hợp con, cháu của chủ hộ đã lập gia đình (có Giấy chứng nhận kết hôn) và trường hợp ở nhờ nhưng có hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú cùng với chủ hộ thì được coi là hộ gia đình độc lập và thuộc đối tượng được vay vốn hỗ trợ nhà ở theo quy định tại Thông tư này.
(Theo VTC)