Trang mua bán nhà đất hàng đầu Việt Nam

Thu hồi đất để phát triển KT-XH: Dễ nảy sinh tiêu cực

Cập nhật: 07/11/2013 09:40

Cũng giống như phiên thảo luận Dự thảo sửa đổi Hiến pháp vào hôm trước đó, sáng 6/11, thảo luận về dự thảo Luật Đất đai (LĐĐ) sửa đổi, một lần nữa vấn đề thu hồi đất cho các dự án kinh tế-xã hội (KT-XH) lại được các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) mổ xẻ.

Điểm nghẽn chưa được gỡ

Không đồng tình với quy định cho phép thu hồi đất vì mục đích phát triển KT-XH trong dự thảo, một số ĐB cho rằng quy định này dễ bị lợi dụng, phát sinh tiêu cực. Còn nếu DN muốn mua thì phải tự thỏa thuận với người đang sử dụng đất. “Dự thảo cần quy định rõ Nhà nước không thu hồi đất để phát triển KT-XH do các nhà đầu tư trình mà cần cơ chế để người dân được góp vốn, đất đai vào dự án đó”- ĐB Huỳnh Minh Hoàng (Bạc Liêu) kiến nghị.

ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) cũng trăn trở: “Nhiều ý kiến của nhân dân, các chuyên gia và các ĐBQH đề nghị không thu hồi đất phục vụ các dự án KT-XH mà nên áp dụng phương thức trưng mua quyền sử dụng đất nhằm đảm bảo hài hòa, chia sẻ lợi ích giữa Nhà nước - DN - người dân bị thu hồi đất. Nhưng đến nay vẫn chưa nhận được sự đồng thuận của cơ quan soạn thảo. Nếu vẫn giữ nguyên việc Nhà nước thu hồi đất cho dự án KT-XH thì tình trạng khiếu kiện đất đai vẫn là điểm nghẽn, chưa có lời giải”.

ĐBQH tỉnh Quảng Nam Ngô Văn Minh phát biểu ý kiến về một số nội dung
còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

Chỉ thu hồi những dự án lớn

Về vấn đề này, báo cáo giải trình của Ủy ban Thường vụ QH khẳng định Nhà nước chỉ thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển KT-XH quy mô lớn, quan trọng của đất nước. Với các dự án sản xuất, kinh doanh thì hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất chuyển nhượng, cho thuê, góp vốn bằng quyền sử dụng đất với nhà đầu tư để thực hiện. Dự thảo LĐĐ quy định cụ thể các trường hợp thu hồi đất sử dụng vào mục đích phát triển KT-XH để hạn chế việc thu hồi đất tràn lan gây bức xúc, khiếu kiện trong nhân dân.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Nguyễn Văn Giàu phân tích thêm: “Nhà đầu tư những dự án phát triển KT-XH có nhu cầu sử dụng đất sẽ được Nhà nước giao đất, cho thuê đất trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu công nghệ cao, khu kinh tế hoặc được Nhà nước bàn giao mặt bằng để thực hiện các dự án quan trọng quốc gia, dự án phát triển hạ tầng. Còn những dự án không thuộc trường hợp Nhà nước trực tiếp thu hồi đất, thường là những dự án nhỏ, lẻ thì người sử dụng đất thỏa thuận dân sự với nhà đầu tư, không can thiệp bằng biện pháp hành chính”.

KT-XH là một phạm trù mênh mông

Thu hồi đất vì mục đích KT-XH là một phạm trù mênh mông. Nếu người thực hiện chính sách đó mà có tâm trong sáng, biết nghĩ đến quyền lợi của người dân đi đôi với quyền lợi phát triển chung của đất nước thì không có gì để nói. Nhưng nếu người ta muốn lợi dụng thì vẫn có đường để lợi dụng. Chính vì vậy cần tính toán thêm nữa để ghi vào luật cho có tính thực tiễn nhất.

Về vấn đề điều tiết chênh lệch địa tô, tôi vẫn băn khoăn phải làm sao đó để quyền lợi người dân hy sinh phải phục vụ cho sự phát triển chung của đất nước chứ không đi vào túi riêng của bất cứ cá nhân nào. Từ đó mới đầu tư trở lại để phát triển đất nước và các phúc lợi công cộng khác, để người dân được hưởng một cách công bằng.

Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TP.HCM

Vượt hạn mức sau 1/7/2007 thì không bồi thường

Dự thảo LĐĐ sửa đổi quy định: “Không bồi thường về đất đối với diện tích đất nông nghiệp vượt hạn mức quy định. Đối với diện tích đất nông nghiệp do nhận chuyển quyền sử dụng đất vượt hạn mức trước ngày luật này có hiệu lực thi hành thì việc bồi thường, hỗ trợ được thực hiện theo quy định của Chính phủ”.

Về nguyên tắc, Nhà nước không bồi thường về đất đối với diện tích vượt hạn mức. Tuy nhiên, để giải quyết các trường hợp đã sử dụng đất vượt hạn mức trước đây, trên cơ sở cân nhắc công sức đầu tư của người sử dụng đất, dự thảo LĐĐ được tiếp thu, chỉnh lý theo hướng giao Chính phủ quy định cụ thể việc bồi thường, hỗ trợ đối với diện tích đất nông nghiệp vượt hạn mức có trước ngày 1/7/2007 do nhận chuyển quyền sử dụng đất. Đối với diện tích vượt hạn mức có từ sau ngày 1/7/2007 thì không được bồi thường, hỗ trợ.

Ông Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế

(Theo PLTP)
TIN CŨ HƠN
CHỦ ĐỀ KHÁC
TIN ĐƯỢC QUAN TÂM