Nhiều ý kiến đồng tình với quan điểm nhà nước thu hồi đất đối với những dự án phát triển kinh tế - xã hội song lưu ý tránh lạm dụng, thu hồi tràn lan, vi phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Quốc hội (QH) dành trọn ngày 5/11 để thảo luận về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 (Dự thảo), dự thảo Nghị quyết về việc thi hành Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi năm 2013). Nội dung được các đại biểu (ĐB) QH tập trung cho ý kiến và bày tỏ băn khoăn, đề nghị điều chỉnh là vấn đề thu hồi đất, mô hình chính quyền địa phương…
Liên quan đến thu hồi đất, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý giải thích để phục vụ công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước, bên cạnh việc thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, vì lợi ích quốc gia thì nhà nước vẫn cần thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH). Luật Đất đai vì thế cũng sẽ quy định thật cụ thể các trường hợp thu hồi đất.
Mặc dù đồng tình với quan điểm nhà nước thu hồi đất đối với những dự án phát triển KT-XH song ĐB Trần Đình Thu (Gia Lai) cho rằng có nhiều ý kiến cử tri lo ngại dự luật không có tính ổn định. Quyền sử dụng đất là quyền quan trọng của người dân. Vì thế phải hiến định chặt chẽ khi thu hồi nhằm tránh lạm dụng, thu hồi tràn lan, vi phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Đại biểu Huỳnh Ngọc Đáng (Bình Dương) phát biểu tại nghị trường
Tán đồng, ĐB Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) lo ngại quy định như Dự thảo là rộng, thiếu chặt chẽ và đề nghị trường hợp thật cần thiết là một chế định ràng buộc rất quan trọng sẽ hạn chế lạm dụng thu hồi đất do được kiểm soát.
ĐB Mã Điền Cư (Quảng Ngãi) đề nghị viết lại khoản 3, điều 54 Dự thảo như sau: “Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân đang sử dụng trong trường hợp thật cần thiết do luật định vì mục đích quốc phòng, an ninh; vì lợi ích quốc gia, công cộng. Việc thu hồi đất phải công khai, minh bạch, bảo đảm công bằng dựa trên lợi ích của nhân dân và được bồi thường theo quy định của pháp luật”.
ĐB Nguyễn Thanh Phương (Cần Thơ) phân tích trong tương lai, việc thu hồi đất không dễ vì đất là tài nguyên hữu hạn. “Vì vậy trong tương lai có thể có luật riêng về thu hồi mà một số quốc gia đang có để bảo đảm quyền lợi hợp pháp của cá nhân, tổ chức sở hữu đất đai” - ông Phương hiến kế.
Nhìn rộng hơn, Chủ tịch HĐND Tp.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm (Tp.HCM) đề nghị bồi thường đất khi thu hồi phải theo sát giá thị trường để tương thích với Luật Đất đai sửa đổi, hạn chế việc lạm dụng trong thu hồi đất để phát triển KT-XH với cái giá không coi trọng quyền lợi của người dân. “Hiến định điều này để tránh lạm dụng khi thu hồi đất” - ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm quả quyết.
(Theo NLĐ)