Khu tập thể số 18 đường Hùng Vương này trước đây vốn là khách sạn Đồng Khánh được UBND tỉnh Quảng Nam- Đà Nẵng (cũ) tiếp nhận sau năm 1975 và bố trí chỗ ở cho các cán bộ đang công tác ở các cơ quan trực thuộc. Hơn 40 năm tuổi đời, chung cư như đã ở độ tuổi “hưu”, trong khi vẫn cưu mang các hộ dân.
Điều đáng nói là UBND TP đã có chủ trương di dời các hộ dân sống ở đây sang khu chung cư (KCC) khác đã lâu nhưng các hộ dân không đồng ý vì phải chuyển đến sống ở nơi chung cư mới khá xa trung tâm thành phố. Mới đây, TP đã có chủ trương bố trí cho các hộ ở KCC 12 tầng mới xây dựng xong ở P. Nại Hiên Đông (Q. Sơn Trà) song người dân chưa kịp chuyển đồ đạc đến nơi ở mới thì xảy ra vụ sập mảng bê-tông sân thượng tầng 5 như đã nêu. Sau sự cố này, người dân tất bật chuyển đồ đạc đến nơi ở mới, đồng thời lực lượng chức năng đã dùng các thanh gỗ làm đà giáo chống sập trần nhà.
Mảng bê-tông khá rộng bị sập xuống tại khu nhà tập thể số 18- Hùng Vương
Cùng độ tuổi, các KCC, nhà tập thể ở gần đó như khu ở số 25, 57-Hùng Vương, 80-Yên Bái... cũng trong thảm cảnh tương tự. Theo UBND P. Hải Châu 1 (Q. Hải Châu), hiện trên địa bàn phường có 9 khu tập thể, chung cư xuống cấp, trong đó 3 khu đã có quyết định thu hồi nhưng chỉ mới có người dân ở khu số 18-Hùng Vương là chịu di dời sau vụ sập mảng bê-tông lớn nói trên. Hầu hết các KCC, tập thể đã xuống cấp trầm trọng và rất khó khăn trong công tác phòng cháy, chữa cháy và rất nguy hiểm cho người dân trong mùa mưa bão, cần sớm giải quyết dứt điểm.
Bên cạnh đó, dù không “thâm niên” như các chung cư vừa nêu, nhưng 8 KCC với khoảng 388 phòng mới xây dựng từ năm 2001 ở P. Thuận Phước dành bố trí tái định cư các hộ giải tỏa dự án đường Liên Chiểu- Thuận Phước (nay là đường Nguyễn Tất Thành) lại không có sân phơi, cống thoát nước hư hỏng nặng, các cầu thang, trần nhà, lan can đã bị nứt và đa số các hộ dân ở đây muốn được di dời vì diện tích nhỏ, nhà xuống cấp...
Theo Cty Quản lý nhà chung cư TP Đà Nẵng, hiện thành phố có khoảng 22 KCC, nhà tập thể xuống cấp, trong đó riêng địa bàn Q. Hải Châu có khoảng 15 khu. Ngoài 1 khu ở đường Trần Phú đã được giải quyết xong, có 4 khu thành phố đã có quyết định thu hồi và có phương án bố trí chung cư mới cho các hộ. Những khu khác, một số hộ xin bố trí đất tái định cư nhưng chủ trương của thành phố là bố trí chung cư và các hộ không đồng ý. Chẳng hạn, KCC 25-Hùng Vương đã có quyết định thu hồi và các hộ chấp hành chủ trương nhưng yêu cầu được bố trí tái định cư; khu 57-Hùng Vương đã được đề xuất bố trí tái định cư nhưng dân chưa di dời; các hộ ở KCC số 3 và số 5-Nguyễn Thái Học cũng chưa thống nhất chủ trương...
Vào tháng 5-2013, UBND TP Đà Nẵng thống nhất chủ trương giải tỏa và di dời toàn bộ các hộ dân tại KCC Lâm đặc sản Hòa Cường và di dời toàn bộ các hộ dân về ở tại KCC A2 thuộc KDC Nam cầu Cẩm Lệ; giải tỏa KCC Thuận Phước và di dời toàn bộ các hộ dân về ở tại KCC 12 tầng Nại Hiên Đông; giải tỏa KCC A1-A6 trên đường Nguyễn Trung Trực và di dời toàn bộ các hộ dân về ở tại KCC Vịnh Mân Quang A1.6. UBND TP cũng thống nhất phương án cải tạo, sửa chữa 79 căn hộ chung cư trên địa bàn, gồm: 50 căn hộ tại các khu chung cư cuối tuyến đường Bạch Đằng Đông, khu thu nhập thấp đầu tuyến Sơn Trà - Điện Ngọc, khu thu nhập thấp Khuê Trung và Hòa Cường; 24 ki-ốt tại chung cư đầu tuyến Sơn Trà - Điện Ngọc; 5 căn hộ tại chung cư Vũng Thùng với kinh phí thực hiện chỉ hơn 1,5 tỷ đồng.
Cũng theo Cty Quản lý nhà chung cư, hiện nay, trên địa bàn thành phố có 160 block chung cư thuộc 34 khu chung cư với 7.756 căn hộ. Tuy nhiên, hằng năm nguồn thu từ thuê nhà chung cư không bảo đảm cho việc cân đối duy tu bảo dưỡng, chi phí quản lý và nguồn vốn tái đầu tư phát triển quỹ nhà ở chung cư mới càng gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, theo Sở KH-ĐT, thời gian qua, nguồn vốn chi sửa chữa chung cư với hạng mục quét vôi, sơn ở 18 khu chung cư đã tốn 5 tỷ đồng. Ước tính mỗi năm thành phố cần đầu tư 50 tỷ đồng để sửa chữa.
Đây là khoản đầu tư ngân sách lớn nên cần triển khai chủ trương bán nhà chung cư để người dân vừa làm chủ căn hộ của mình, vừa huy động nguồn lực trong mỗi hộ dân sinh sống tại KCC nhằm nâng cấp, cải tạo, sơn sửa. Tuy nhiên, chủ trương này đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, bởi người thuê căn hộ chỉ phải thanh toán vài trăm ngàn đồng thuê nhà mỗi tháng, nay bỏ số tiền lớn ra mua căn hộ là rất khó, nên cần phải có phương án, giải pháp cụ thể, phù hợp. Mới đây, UBND TP đã ban hành văn bản thống nhất chủ trương sửa chữa, cải tạo 18 khu chung cư trên địa bàn với tổng kinh phí gần 5 tỷ đồng, triển khai thực hiện trong năm 2014, gồm: chung cư đầu tuyến Sơn Trà – Điện Ngọc, Nại Hiên Đông 2 (đường Khúc Hạo), An Cư 5, Bình An, khu số 4 Nguyễn Tri Phương; KCC thu nhập thấp Hòa Cường, Thuận Phước, Thanh Lộc Đán C, Hòa Minh, Khuê Trung, Mân Thái, cuối tuyến Bạch Đằng Đông, Bắc Mỹ An và Nam cầu Trần Thị Lý.
UBND TP cũng yêu cầu Sở Xây dựng phối hợp Cty Quản lý nhà chung cư và các đơn vị liên quan sớm kiểm tra, rà soát những KCC đã xuống cấp, hư hỏng nặng để có phương án thanh lý, tháo dỡ nhằm hạn chế việc cải tạo, sửa chữa nhiều lần, gây tốn kém kinh phí và để đảm bảo an toàn cho người dân. Cty Quản lý nhà chung cư rà soát, có phương án đẩy nhanh việc thu nợ tiền thuê nhà, và nghiên cứu phương án tăng giá cho thuê để bổ sung thêm nguồn kinh phí hỗ trợ sửa chữa thường xuyên cho các chung cư; kiểm tra thường xuyên các KCC để có phương án sửa chữa, khắc phục hư hỏng kịp thời. Trong các năm tiếp theo, phải tiến hành tổng hợp nhu cầu kinh phí sửa chữa gửi Sở Tài chính tham mưu, bố trí trong dự toán chi hàng năm của công ty từ nguồn thu tiền cho thuê nhà trình UBND TP xem xét, quyết định.