Cùng một hiện trạng quy hoạch như nhau nhưng khi người dân đi xin phép xây dựng nhà, một số nơi cấp phép xây dựng tạm, một số nơi cấp phép chính. Vấn đề này đang diễn ra phổ biến ở các quận của Tp.HCM, gây ảnh hưởng không nhỏ đến quyền lợi của người dân.
Ông Hoàng Công Mẫn có căn nhà tại KP7, phường Linh Đông, quận Thủ Đức đang bị xuống cấp cần phải đập bỏ để xây mới. Tuy nhiên, khi liên hệ Phòng Quản lý đô thị quận Thủ Đức để xin phép, ông được biết nhà nằm trong đồ án quy hoạch 1/2.000 xây dựng trung tâm thương mại và nhà cao tầng, phê duyệt từ năm 2007.
Cán bộ hướng dẫn cho biết do nằm trong quy hoạch nên chỉ được cấp phép tạm 1 trệt, 2 lầu và khi quy hoạch được triển khai không được bồi thường phần xây dựng. Tuy nhiên, vị cán bộ này cũng trấn an ông Mẫn: “7 năm rồi có nhà đầu tư nào vào khu này đầu tư đâu, chắc cả chục năm nữa cũng chưa có và khi họ làm dự án cũng phải thỏa thuận với dân thôi”.
Một khu quy hoạch treo tại quận 2, Tp.HCM
Trong khi đó, cùng trường hợp như ông Mẫn, nhưng đại diện phòng quản lý đô thị quận 9 cho biết phải căn cứ vào mục đích sử dụng đất của quy hoạch để cấp phép. Giả sử theo quy hoạch nếu khu đất vẫn có chức năng ở như làm chung cư, thì quận cũng cấp chính thức.
Việc vận dụng đất bị quy hoạch để cấp phép tạm tại một số quận, huyện khiến người dân băn khoăn về tài sản của mình được đầu tư. Bởi việc cấp phép “tạm” và “chính thức” sẽ làm cho BĐS đó có giá trị khác nhau. Ông Trần Quốc Tuấn, Trưởng phòng Cấp phép xây dựng, Sở Xây dựng Tp.HCM, cho hay theo Nghị định 64/2012, giấy phép xây dựng tạm chỉ cấp trong trường hợp nhà ở đã có quy hoạch 1/500 nhưng chưa có quyết định thu hồi đất.
Từ đó có thể hiểu rằng các trường hợp còn lại được cấp chính thức. Theo Công văn 898/2014 của Sở Xây dựng, nhà ở dù bị quy hoạch thành mục đích khác như làm công viên, đường dự phóng, công trình công cộng… vẫn được cấp phép xây dựng chính thức nếu chưa có quy hoạch 1/500 và chưa có quyết định thu hồi đất.
Để đỡ lãng phí thời gian và tiền bạc cho người dân cũng như tránh khó khăn khi giải phóng mặt bằng thực hiện quy hoạch, Sở Xây dựng đề nghị các quận, huyện lập quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc để khống chế quy mô các công trình (nhưng vẫn cấp phép chính thức).
Ông Tuấn cho biết thêm, việc cấp phép xây dựng chính thức là để không ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân vì đất của họ đã được công nhận là đất ở, trong khi quy hoạch lập ra nhưng không biết khi nào mới thực hiện. Đó cũng là quan điểm của TP tại Nghị quyết 16/2012. Nếu các địa phương không đồng ý cấp phép chính thức cần thống nhất ý kiến, sở sẽ báo cáo TP xin ý kiến Bộ Xây dựng.
Ông Trần Chí Dũng, Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc TP, cho biết sắp tới lãnh đạo UBND TP sẽ đến một số quận, huyện để làm việc trực tiếp về Quyết định 19/2009 về diện tích tối thiểu tách thửa và Quyết định 21/2013 về cấp phép xây dựng. Từ những vướng mắc khó khăn trong thực tế, TP sẽ có những điều chỉnh cho hợp lý cũng như thống nhất trên toàn địa bàn để đảm bảo quyền lợi cho người dân.
Không thể cùng chung một tình trạng pháp lý mà mỗi quận, huyện vận dụng một kiểu. Một thực tế gây bức xúc cho người dân, nhiều dự án, đồ án quy hoạch được lập ra nhưng chẳng biết khi nào mới triển khai, cũng có nghĩa là quyền lợi của người dân có nhà, đất nằm trong quy hoạch cũng bị ảnh hưởng theo.
Trao đổi với ĐTTC, một cán bộ Phòng Quản lý đô thị Thủ Đức, cho hay về nguyên tắc cứ 5 năm phải xem xét điều chỉnh quy hoạch một lần cho phù hợp với thực tế. Cũng có nghĩa là những khu vực nào không còn khả thi thì bỏ quy hoạch. Chẳng hạn trước kia làm quy hoạch khu đất đó là trung tâm thương mại, chỉ có vài căn nhà, nhưng nay người dân xây muốn hết có thể xem xét chuyển thành khu dân cư hiện hữu. Tuy nhiên, thực tế việc rà soát điều chỉnh vẫn còn rất chậm chạp, khó khăn.
(Theo SG ĐTTC)