Những vướng mắc của nhà đầu tư trong việc triển khai dự án liên quan đến sử dụng đất, xây dựng và môi trường sẽ được tháo gỡ nếu dự thảo thông tư liên tịch về vấn đề này được thông qua.
Những vướng mắc của nhà đầu tư trong việc triển khai dự án liên quan đến sử dụng đất, xây dựng và môi trường sẽ được tháo gỡ nếu dự thảo thông tư liên tịch về vấn đề này được thông qua.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa cùng nhau hoàn thiện quy trình thủ tục về đầu tư, đất đai, xây dựng và môi trường (minh bạch) để giảm phiền hà cho nhà đầu tư.
Theo ông Phan Đức Hiếu, Phó trưởng ban phụ trách, Ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện nay doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai thực hiện dự án đầu tư (phải thực hiện đồng thời nhiều thủ tục đầu tư, đất đai, xây dựng và môi trường), đặc biệt đối với dự án sử dụng đất ngoài khu công nghiệp.
Các dự án liên quan đến đất đai, xây dựng, môi trường nhà đầu tư phải thực hiện khoảng 18 thủ tục hành chính khác nhau, tùy vào từng dự án. Trong ảnh là một góc khu dân cư với các dự án đang trong quá trình xây dựng tại quận 7, Tp.HCM
Cụ thể, để triển khai một dự án đầu tư có sử dụng đất, xây dựng và liên quan đến môi trường thì nhà đầu tư phải thực hiện khoảng 18 thủ tục hành chính khác nhau, tùy vào từng dự án.
Theo ông Hiếu, khó khăn, vướng mắc mà nhà đầu tư thường gặp phải khi triển khai dự án đầu tư này là thời gian thực hiện kéo dài và không tiên liệu trước được; thường phải đi lại nhiều cơ quan hoặc nhiều lần đến một cơ quan; tốn kém thời gian và công sức để chuẩn bị hồ sơ, giấy tờ. Thậm chí, có không ít trường hợp, cả nhà đầu tư và cơ quan nhà nước đều không biết bắt đầu bằng thủ tục nào và thực hiện thủ tục nào tiếp theo…
Báo cáo điều tra cảm nhận của doanh nghiệp về môi trường kinh doanh cấp tỉnh của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam công bố hàng năm cho thấy các thủ tục về đất đai, xây dựng và tài nguyên môi trường là thủ tục hành chính mà doanh nghiệp thường gặp khó khăn nhất.
Ông Hiếu cho biết, nhiều nghiên cứu, khảo sát, điều tra thực tế ở nhiều địa phương cho thấy tổng thời gian hoàn tất thủ tục đầu tư, đất đai, xây dựng và môi trường cần thiết cho triển khai dự án đầu tư là khoảng trên dưới 300 ngày làm việc.
Có hai loại nguyên nhân chính gây ra những khó khăn và vướng mắc này, đó là bất cập của các quy định pháp luật có liên quan và yếu kém tổ chức giải quyết thủ tục hành chính cho doanh nghiệp.
Vì vậy, theo ông Hiếu, mục tiêu của thông tư liên tịch này là hướng dẫn quy trình giải quyết thủ tục hành chính về đầu tư, đất đai, xây dựng và môi trường để giảm bớt chi phí và thời gian cho nhà đầu tư trong thực hiện thủ tục hành chính triển khai dự án đầu tư có sử dụng đất và liên quan đến xây dựng và môi trường.
Theo đó, các bộ nói trên đã xây dựng và xác định rõ một quy trình các thủ tục hành chính cần thiết để triển khai một dự án đầu tư có sử dụng đất. Quy trình được thiết lập trên nguyên tắc mang tính kết nối, hệ thống, phù hợp với thực tiễn và đảm bảo hiệu lực quản lý nhà nước; chứ không phải đơn thuần là một tập hợp các thủ tục hành chính rời rạc.
Cụ thể, quy định một cách rõ ràng và chi tiết thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư; hướng dẫn chi tiết trình tự phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong giải quyết thủ tục hành chính; theo đó xác định rõ trách nhiệm các cơ quan cơ quan có liên quan; xác định rõ một cơ quan làm đầu mối giải quyết các thủ tục hành chính trong cùng một nhóm; áp dụng tắc họp đại diện các cơ quan liên quan thay cho lấy ý kiến bằng văn bản trong quá trình phối hợp giải quyết thủ tục hành chính; thực hiện nguyên tắc một cửa, một bộ hồ sơ đối với nhóm thủ tục về đất đai…
(Theo TBKTSG)