Được giao quản lý 5.000 ha đất, nhưng “mỏ vàng” khi được giao vào tay Công ty TNHH Một thành viên Đầu tư và Phát triển nông nghiệp Hà Nội (Hadico) lại bị doanh nghiệp này “xẻ thịt” vô tội vạ.
Điển hình là việc Hadico cho đơn vị bên ngoài vào làm sân tenis, kinh doanh bia hơi, quán bi – a ngay khu đất vàng nằm ngay mặt đường Hồ Tùng Mậu (Từ Liêm, Hà Nội). Thậm chí, phần đất có chỉ giới mở đường Nguyễn Cơ Thạch kéo dài do đơn vị này quản lý cũng bị “quây tôn” làm nơi trông giữ ô tô, gara…
Như Pháp luật Việt Nam đã có bài phản ánh, một diện tích đất rất lớn nằm ở mặt tiền đường Hồ Tùng Mậu đã bị Hadico xây thành các ki ốt để cho các hộ bên ngoài vào kinh doanh. Tuy nhiên, trong một văn bản gửi cơ quan chức năng mới đây, Hadico lập luận rằng, vì được giao xây dựng chợ Cầu Diễn nên buộc lòng Hadico phải xây dựng chợ tạm dọc mặt đường ở số 202 Hồ Tùng Mậu để phục vụ đầu tư xây dựng chợ Cầu Diễn. Trong khi đó, dự án xây chợ Cầu Diễn suốt nhiều năm qua vẫn án binh bất động, bà con tiểu thương vẫn đi vào khu chợ này hoạt động bình thường.
Diện tích “đất vàng” mặt đường Hồ Tùng Mậu đang được Hacico cho cá nhân bên ngoài vào xây sân tenis, quán bia, câu lạc bộ bi–a kinh doanh
Nhưng phần ki ốt cho thuê bên ngoài mới chỉ là “bề nổi” của “tảng băng”. Bởi đằng sau dãy cửa hàng này là các sân tenis, quán bia hơi, câu lạc bộ bi –a… Các “tổ hợp” giải trí đó đều nằm trên phần đất đang do Hadico quản lý. Tuy nhiên, tại văn bản của Hadico gửi cơ quan chức năng, doanh nghiệp trực thuộc sự quản lý của UBND Tp. Hà Nội đã không “đề cập” đến tình trạng “làm ăn” trên phần công sản này với đơn vị bên ngoài.
Đặc biệt, cả con đường Nguyễn Cơ Thạch kéo dài dù đã có ranh giới, chỉ giới mở đường nhưng khi cơ quan chức năng chưa kịp triển khai, Hadico cũng đã “tranh thủ” cho mở bãi trông giữ xe ngày và đêm, gara ô tô trên đất làm đường giao thông.
Theo phản ánh của những người dân sống xung quanh khu vực này, bắt đầu từ đầu năm 2013, Hadico bắt đầu “xé lẻ” đất tại địa chỉ 202 Hồ Tùng Mậu để xây dựng ki ốt, mở sân tenis, khai trường quán bia cũng như lập gara và bãi trông cho cho đơn vị bên ngoài vào khai thác.
Trả lời báo chí, Phó giám đốc Sở Tài chính Hà Nội Phạm Công Bình cho rằng, khối lượng cơ sở nhà đất các cơ quan rất lớn, hình thành từ nhiều nguồn khác nhau, cộng với thực trạng quản lý còn lãng phí, không đúng mục đích, bị buông lỏng trong thời gian dài.
Ông Bình thừa nhận, thực tế có đơn vị và doanh nghiệp còn sử dụng nhà đất không đúng mục đích, cho thuê, cho mượn, bố trí làm nhà ở không đúng quy định; để hoang hóa, không sử dụng, bị lấn chiếm. Theo ông Bình, không ít cơ sở nhà đất doanh nghiệp đang cho tổ chức, cá nhân thuê dài hạn, có trường hợp bên thuê nhà đã đầu tư cải tạo thành những công trình kiên cố dẫn đến vướng mắc khi thu hồi, giải phóng mặt bằng để bán đấu giá.
Với những dấu hiệu sử dụng đất không đúng mục đích, đã đến lúc cơ quan chức năng cũng như Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cần phải vào cuộc kiểm tra, xác minh tính hợp pháp tình trạng Hadico cho thuê đất kéo dài suốt thời gian qua.
(Theo Pháp luật việt nam)