Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng nhận định kẽ hở của hệ thống luật, trong đó có Luật Xây dựng (2003) đang khiến đầu tư công kém hiệu quả, lãng phí, thất thoát ngân sách Nhà nước và gây bức xúc cho dư luận.
Xây dựng “bừa”, lãng phí tràn lan
Cũng giống như nhiều địa phương khác trên cả nước, Tp. HCM hiện có hàng trăm công trình được đầu tư tiền tỷ từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước hoặc tư nhân, nhưng khi đưa vào sử dụng lại không hiệu quả, gây lãng phí rất lớn.
Điển hình là dự án cảng Phú Hữu (phường Phú Hữu, quận 9) do Công ty TNHH MTV cảng Bến Nghé, trực thuộc Tổng Công ty Cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn (SAMCO) làm chủ đầu tư. Công trình khởi công từ năm 2007 trên tổng diện tích 24ha, với 320m cầu cảng và 2 cầu dẫn, mỗi cầu dẫn dài 32m, rộng 15m. Tổng mức đầu tư cảng Phú Hữu (giai đoạn 1) là 327 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn vay ngân sách Tp. HCM là 100 tỷ đồng, vay ưu đãi theo chương trình kích cầu 140 tỷ đồng. Cảng Phú Hữu có nhiệm vụ thay thế khi di dời cảng Bến Nghé, tiếp nhận tàu có trọng tải 36.000 DWT; được xếp vào danh sách cảng biển quốc tế và đưa vào khai thác từ cuối tháng 7/2010. Tuy nhiên, đến nay vẫn trong tình trạng gần như “đắp chiếu”, khai thác không hiệu quả, ngay như hệ thống đường vào cảng cũng chưa được khai thông.
Cầu Phú Mỹ đưa vào khai thác đã gần 4 năm nhưng hiệu quả rất thấp
Khu chung cư tái định cư Vĩnh Lộc B trên được xây dựng diện tích 31ha tại huyện Bình Chánh. Tổng mức đầu tư của dự án là 1.062 tỷ đồng, có 45 lô (1.939 căn hộ) và 529 nền bố trí tái định cư. Năm 2011, BQL Đầu tư xây dựng nâng cấp đô thị TP đã giao Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích huyện Bình Chánh tiếp quản. Dù được đầu tư quy mô từ 10 năm nay, nhưng đến nay chỉ có khoảng 200 hộ dân đến ở và cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn. Nguyên nhân “bỏ trống” khu chung cư này được xác định từ việc kết nối hạ tầng kém, hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội chưa đáp ứng đồng bộ, công trình mau xuống cấp, cơ hội mưu sinh rất thấp.
Hay như cầu Phú Mỹ - cây cầu được xem là biểu tượng của Tp. HCM nhưng do đầu tư thiếu khảo sát, thiếu quy hoạch đồng bộ nên hiệu quả khai thác rất thấp, rất lãng phí… trong khi vốn để xây dựng cây cầu này đã bị “đội” từ 1.806 tỷ lên hơn 3.200 tỷ đồng…
Nhiều kẽ hở chờ xử lý
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho hay, Luật Xây dựng sau gần 10 năm thực hiện đang bộc lộ nhiều hạn chế. Chẳng hạn như, hiện vẫn chưa phân biệt rõ phương thức, nội dung đầu tư, phạm vi quản lý cũng như trách nhiệm các chủ thể trong quản lý dự án sử dụng vốn các nguồn vốn khác nhau. Bất cập hiện nay là nguồn vốn nhà nước quản lý theo cơ chế ủy quyền. Nguồn vốn ngân sách hầu như được giao cho chủ đầu tư tổ chức thẩm định, thiết kế, chi phí và quyết định, trong trường hợp không làm được thì giao cho một đơn vị tư vấn thực hiện cho nên dẫn đến việc thông đồng giữa nhà tư vấn, nhà thầu, làm đội giá công trình.
Mặt khác, quá trình phân cấp quản lý chưa phù hợp với năng lực của chủ đầu tư, chưa đề cao vai trò của cơ quan quản lý, thiếu cơ chế kiểm tra, giám sát… chính là nguyên nhân dẫn đến thất thoát, sai phạm, lãng phí. “Nguồn vốn nhà nước chủ yếu các địa phương hiện nay là người sử dụng công trình được giao làm chủ đầu tư, nhưng chủ đầu tư lại lập BQL dự án, nên mỗi địa phương có hàng trăm BQL dự án. Trong khi đó, nguồn nhân lực nghiệp vụ rất mỏng, phân tán, chất lượng, khả năng, kiểm soát vốn rất hạn chế. Nhiều công trình phó mặc cho nhà thầu, đặc biệt ở vùng sâu vùng xa. Do đó, khi công trình hoàn thành, BQL dự án giải thể, vừa thiếu tính chuyên nghiệp, vừa không trách nhiệm đến cùng khi công trình xảy ra vấn đề” – Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng nhận định.
Để khắc phục những bất cập, hạn chế, theo Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng, dự thảo mới đang tập trung vào nhiều nội dung quan trọng như: khắc phục tình trạng thiếu kiểm soát của của cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là cơ quan chuyên môn về xây dựng trong việc kiểm soát đầu tư xây dựng từ khâu lập dự án thiết kế, khảo sát, quá trình thi công xây lắp, đưa công trình vào sử dụng. Luật phải phân biệt rõ các nguồn vốn khác nhau, phương thức quản lý phải khác nhau. Vốn nhà nước cần có sự quản lý chặt chẽ hơn. Các nguồn vốn khác tập trung vào khâu quản lý công trình có đúng quy hoạch không, đảm bảo chất lượng, ảnh hưởng đến cộng đồng và môi trường hay không. Để làm được, chúng ta phải tập trung vào công tác kiểm soát thiết kế cơ sở.
Cùng đó, Luật cũng sẽ bổ sung, điều chỉnh khâu khảo sát thiết kế kỹ thuật, kiểm soát chi phí xây dựng, nghiệm thu công trình, tổ chức thành lập những BQL chuyên ngành hoặc khu vực. Một BQL có thể quản lý nhiều dự án hoặc một khu vực có nhiều công trình xây dựng để tập trung đội ngũ nhân viên đủ năng lực, tồn tại lâu dài, trách nhiệm lâu dài…
(Theo 24H)