Hơn trăm hộ dân Quỳnh Lưu đang khiếu kiện quyết liệt việc tỉnh thu hồi đất hợp pháp của họ mà không có quyết định, không đền bù. Tỉnh Nghệ An cho rằng, đất này đã thu hồi và đền bù khi thực hiện dự án PMU1 trước đây nhưng không có bằng chứng chứng minh.
Ông Hoàng Danh Lai - PGĐ Sở Tài nguyên & Môi trường (TNMT) tỉnh Nghệ An giải thích ý nghĩa Khoản 3 điều 5 Quyết định 04/QĐ-UB một cách rất khó hiểu: “Không phải hồi xưa không có quyết định thu hồi mà bây giờ phải ra quyết định thu hồi đâu. Tức là Nhà nước đã thu hồi, dù có quyết định hay không có quyết định thì bây giờ cũng không quay lại để thu hồi nữa. Đó là tính chất pháp luật của mình”.
Trong khi đó, tại huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa cũng phải giải phóng mặt bằng cho “dự án nâng cấp và mở rộng quốc lộ 1A”. Các hộ dân bị thu hồi đất ở huyện Tĩnh Gia đều được bồi thường đúng và đủ, người dân phấn khởi.
Vừa qua, tỉnh Nghệ An tiến hành giải phóng mặt bằng cho dự án “Nâng cấp và mở rộng quốc lộ 1A”, với chiều dài xấp xỉ 74km qua các huyện Diễn Châu, Quỳnh Lưu và thị xã Hoàng Mai v.v.., nhưng không được sự đồng thuận của người dân.
Những người dân bị thu hồi đất cho rằng: Đất của họ có nguồn gốc hợp pháp, đã được cấp sổ đỏ. Bây giờ thu hồi đất của họ, nhưng không ban hành Quyết định thu hồi đất và đền bù là trái quy định pháp luật. Họ đã gửi đơn khiếu nại, treo băng rôn phản đối, các cơ quan chức năng phải huy động lực lượng để tiến hành giải phóng mặt bằng.
Chỉ một xã đã hơn 100 người khiếu nại
Tại xã Quỳnh Văn, huyện Quỳnh Lưu hiện nay, có hơn 100 hộ gia đình đang gửi đơn khiếu nại đến cơ quan chức năng. Trong đó, có hơn 60 hộ mua đất của chính quyền vào năm 1993. Họ đã được UBND huyện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thế nhưng nay bị thu hồi đất cũng không được đền bù và nhận Quyết định thu hồi đất.
Trong các công văn trả lời khiếu nại của công dân, UBND các huyện Quỳnh Lưu, thị xã Hoàng Mai đều viện dẫn: “Căn cứ vào Khoản 3 điều 5 Quyết định 04/2010- QĐUB của Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An, không đền bù diện tích đất bị thu hồi”.
Những người dân bị thu hồi đất cho biết: Trong các cuộc đối thoại với Ban giải phóng mặt bằng, họ đều được trả lời: “Theo Khoản 3 điều 5 của Quyết định số 04/2010/QĐ- UBND của ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An thì đất đã thu hồi giải tỏa trong quá trình thực hiện các dự án trước đây, lần này không được đền bù. Cụ thể là đất này đã được thu hồi năm 1993 trong dự án PMU1 nên không được đền bù nữa”.
Thế nhưng, khi người dân đề nghị Ban giải phóng mặt bằng trưng ra các quyết định, các hóa đơn chứng từ để chứng minh đất của họ đã bị thu hồi trước đây, Ban Giải phóng mặt bằng cũng như các cơ quan chức năng khác đều không trưng ra được.
Không có bằng chứng đã từng thu hồi, đền bù
Như vậy, thắc mắc của người dân là hoàn toàn có cơ sở, bởi không có quyết định thu hồi đất thì không thể khẳng định đất của người dân đã bị thu hồi, được đền bù. Chúng tôi đến Ban giải phóng mặt bằng thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An, ông Lê Sỹ Chiến - Chủ tịch Hội đồng Bồi thường - Giải phóng mặt bằng thị xã Hoàng Mai giải thích: “Theo Khoản 3 Điều 5 Quyết định số 04/QĐ-UB của UBND tỉnh Nghệ An ban hành ngày 19/1/2010 thì toàn bộ diện tích đất của các hộ dân dọc theo quốc lộ 1A không được đền bù”.
Trong khi đó, tại huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa giáp ranh với thị xã Hoàng Mai (Nghệ An) cũng phải giải phóng mặt bằng cho “dự án nâng cấp và mở rộng quốc lộ 1A” với chiều dài 34km. Các hộ dân bị thu hồi đất ở huyện Tĩnh Gia đều được bồi thường đúng và đủ.
Ngày 28/3/2013, UBND huyện Quỳnh Lưu đã huy động lực lượng, máy móc thiết bị tiến hành thu hồi đất của các hộ dân tại xã Quỳnh Văn. Người dân không chấp nhận việc bị cưỡng chế, thu hồi đất khi chưa có quyết định thu hồi đất và chưa đền bù theo quy định. Cho rằng việc cưỡng chế trên là trái luật nên người dân cương quyết chống đối, tiếp tục khiếu nại. Và bây giờ, tại các địa bàn có quốc lộ 1A đi qua đã trở thành điểm nóng khiếu kiện về đất đai.
Nguyên nhân bắt nguồn từ một Quyết định
Theo giải thích của Ban GPMB thị xã Hoàng Mai cũng như huyện Quỳnh Lưu và các cơ quan chức năng khác của tỉnh Nghệ An, lý do không bồi thường cho người dân khi thu hồi đất là dựa vào Quyết định số 04/QĐ-UBND ngày 19/1/2010 của UBND tỉnh. Cụ thể tại Khoản 3 điều 5 quy định về “Những trường hợp thu hồi đất mà không được bồi thường về đất” như sau: “Đối với phần diện tích đất đã được Nhà nước giải tỏa trong quá trình thực hiện chủ trương chính sách qua các thời kỳ, nay các chủ sử dụng đất không còn sử dụng hoặc đang sử dụng, nhưng do tái lấn chiếm (kể cả trường hợp chưa có quyết định thu hồi đất”.
Trong khi đó, ông Hoàng Danh Lai - PGĐ Sở Tài nguyên & Môi trường (TNMT) tỉnh Nghệ An giải thích ý nghĩa Khoản 3 điều 5 Quyết định 04/QĐ-UB một cách rất khó hiểu: “Không phải hồi xưa không có quyết định thu hồi mà bây giờ phải ra quyết định thu hồi đâu. Tức là Nhà nước đã thu hồi, dù có quyết định hay không có quyết định thì bây giờ cũng không quay lại để thu hồi nữa. Đó là tính chất pháp luật của mình”.
Còn Giáo sư Đặng Hùng Võ – nguyên Thứ trưởng Bộ TNMT nói: “Thu hồi đất mà không có quyết định thu hồi là trái luật. Vấn đề này đã được quy định từ Luật đất đai năm 1987 rồi, nên không có chuyện Nhà nước đã giải tỏa mà không có quyết định thu hồi đất. Đây là một quy định không đúng với pháp luật khung”.
GS Đặng Hùng Võ cũng nói thêm rằng: “Việc tổ chức cưỡng chế là Nghệ An đang “cứng hóa” về mối quan hệ đất đai giữa Nhà nước với nhân dân. Và đó không phải là cơ chế thu hồi đất bền vững”. Khi chúng tôi hỏi: “Có thể coi quy định của Chính phủ trước đây về hành lang an toàn giao thông như một quyết định đã thu hồi đất không?”, ông Đặng Hùng Võ khẳng định: “Quy định về hành lang an toàn giao thông và Quyết định thu hồi đất là hai việc khác nhau, nếu cho rằng đó là quyết định thu hồi đất là hoàn toàn sai, không đúng quy định của pháp luật. Bởi dù đã là hành lang an toàn giao thông thì đất đó vẫn thuộc quyền sử dụng của người dân, nên khi Nhà nước cần thu hồi phải ra quyết định thu hồi và bồi thường theo quy định”.
Sẽ trả lại tiền vốn cho những hộ đã mua đất năm 1993
Về việc thu hồi, giải phóng mặt bằng đối với hơn 60 hộ dân đã mua đất của UBND huyện từ năm 1993, đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại xã Quỳnh Văn, huyện Quỳnh Lưu, ngày 03/04/2014, UBND tỉnh Nghệ An đã ra thông báo số 147/TB-UBND-GT trong đó có ghi: “Sau khi bàn giao mặt bằng, kiểm tra nếu các hộ có quyết định, hóa đơn, chứng từ các hộ dân nộp tiền mua đất trước đây thì hoàn trả lại cho các hộ số tiền đã nộp tương ứng với diện tích nói trên và tiền lãi suất tính từ thời điểm nộp tiền mua”. Việc đã giao đất, đã thu tiền đất và cấp sổ đỏ cho người dân, giờ thu hồi và trả vốn lại là vấn đề pháp lý khác, chúng tôi sẽ tiếp tục có ý kiến.
(Theo PLVN)