Lãnh đạo Tổng hội Xây dựng Việt Nam vừa đề xuất: Thu Thuế tài sản và Phí phát triển để có vốn đầu tư hạ tầng. Tính khả thi của đề xuất này tới đâu, đặc biệt trong bối cảnh người dân và doanh nghiệp phải thắt lưng buộc bụng hiện nay?
Nhà xây dựng sau khi có đường mới sẽ phải nộp phí? (Ảnh đường Lê Văn Lương kéo dài).
Thêm thuế, phí để đầu tư hạ tầng
Trong một cuộc hội thảo của ngành xây dựng gần đây, TS. Phạm Sỹ Liêm - Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam bất ngờ nêu đề xuất trên. Theo đó, có thể đầu năm tới, tổng hội sẽ ra văn bản chính thức gửi các cơ quan chức năng đề xuất thu Thuế tài sản và Phí phát triển.
Giải thích về đề xuất Thuế tài sản, TS. Liêm cho rằng, hiện nước ta chỉ có Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, nhưng chỉ tính với đất, còn thuế mới sẽ tính cả trên giá trị đất và nhà (tài sản).
Trước đây Bộ Tài chính từng đưa ra Luật Thuế nhà đất, nhưng sau đó Quốc hội không thông qua do người dân còn nhiều khó khăn, không đánh thuế nhà chỉ đánh thuế đất. “Thuế tài sản thu với cả đất và nhà, các nước đều thu. Nước ta có thể tham khảo”, ông Liêm nói. Mức thu có thể chưa cao, nhưng trước mắt cần phải thu và có lộ trình tăng dần.
Theo ông Liêm, thuế sẽ chỉ đánh với những nhà đất ở đô thị, ven các tuyến đường, vì có đường, cây xanh, chiếu sáng… được nhà nước đầu tư. Thêm nữa, nhà ở những vị trí có đường giao thông thuận lợi thường có giá trị cao hơn các khu vực khác. Giá trị đó do tuyến đường mang lại, cần thu thuế cao hơn những nơi khác.
“Tất cả những thứ công cộng đều không thu tiền, giờ phải thu mới có nguồn đầu tư, duy trì hoạt động để phục vụ lại người dân”, ông Liêm nói. Ông dẫn chứng, trong báo cáo nguồn thu ngân sách TP Hà Nội năm 2012, dự kiến thu từ bán quyền sử dụng đất chiếm hơn 20% tổng nguồn thu.
Tuy nhiên, sau đó không thực hiện được vì bất động sản đóng băng, bán không ai mua. Chính lý do này làm các địa phương năm qua thu ngân sách giảm mạnh. Ông cho rằng: “Không thể để nguồn thu ngân sách phụ thuộc vào một thứ kém ổn định và không bền vững như bán đất, cần có nguồn thu ổn định và thu thuế nhà đất là một giải pháp”.
Nguồn thu này sẽ được đưa vào ngân sách và dùng để đầu tư phát triển. Tác giả đề xuất cho rằng, nước ta còn nghèo càng cần phải thu mới có tiền để đầu tư phát triển. “Ở ta lâu nay quen bao cấp, người dân không muốn đóng góp. Không có quốc gia nào tự nhiên có tiền, tất cả đều do người dân đóng góp dưới nhiều dạng thuế, phí…”, ông Liêm khẳng định.
Với Phí phát triển, tác giả cho rằng, chỉ thu với những nhà phát triển lên sau khi có một công trình đầu tư từ ngân sách đi qua (như có đường mới). “Khi có đường mới, giá trị lô đất, căn nhà sẽ tăng lên. Nếu anh bán hoặc xây dựng công trình, phần giá chênh lệch so với trước đây (hoặc giá trị căn nhà xây mới) sẽ phải nộp phí. Nếu anh không bán, không xây dựng gì sẽ không phải nộp phí”, ông Liêm giải thích.
Ví dụ của TS Liêm dẫn ra cụ thể: Nhờ có đường, lô đất được bán cao hơn 5 triệu đồng so với giá cũ (khi chưa có đường), phần 5 triệu đó sẽ phải nộp phí với mức nhất định. Theo ông Liêm, hồi cuối những năm 80-90, UBND TP Hà Nội từng thu Phí hạ tầng, với mức 10% giá trị nhà xây mới, nhưng sau 1 - 2 năm phải bỏ không rõ lý do.
Phải hỏi ý kiến dân, chuyên gia
“Lại thêm thuế và phí à”, bà Nguyễn Thị Vân (53 tuổi, ở đường Khương Đình mới, phường Thượng Đình, Thanh Xuân, Hà Nội) thốt lên khi vừa nghe nói tới vấn đề trên. “Tôi đâu bắt họ làm đường qua nhà tôi, sao lại bắt tôi phải nộp phí”, bà Vân nói. Anh Phạm Văn Tuấn (36 tuổi, ở khu tập thể Vĩnh Hồ, Đống Đa, Hà Nội) tỏ ra thông cảm hơn: “Nếu thu cũng được, nhưng mức thu vừa phải theo thu nhập người dân. Quan trọng phải công bằng”.
“Phải tính toán cách thức, mức thuế nước ta như thế nào, khi tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn. Đặc biệt, cần công khai, minh bạch và đưa ra hỏi ý kiến người dân”. Chuyên gia Kinh tế |
GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT, khi được hỏi, cho biết, nếu thu được như đề xuất sẽ rất tốt. “Tôi đã nhiều lần kiến nghị thu thuế cả nhà và đất, cùng một sắc thuế với giá trị tài sản tăng thêm do các công trình đầu tư từ ngân sách mang lại cho tài sản đó”, ông Võ nói. Hiện, thế giới và các nước trong khối Asean đều thu thuế nhà và đất, mức từ 1-1,5% theo giá thị trường. Việt Nam mới thu với đất, ở mức 0,03% theo giá nhà nước quy định. Tuy nhiên, ông Võ cũng thừa nhận thực tế, thu nhập của người Việt hiện còn thấp, chưa có phần chi cho nhà ở, nếu thu cần có lộ trình gắn với cải cách tiền lương.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, đề xuất trên phù hợp với thông lệ quốc tế, các nước đều làm. “Tuy nhiên phải tính toán cách thức, mức thuế nước ta như thế nào, khi tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn. Đặc biệt, cần công khai, minh bạch và đưa ra hỏi ý kiến người dân”, ông Doanh nói. Ông dẫn chứng trường hợp của Thụy Sỹ, trước khi một sắc thuế được đưa ra, chính phủ sẽ lấy ý kiến người dân sẵn sàng nộp thuế ở mức bao nhiêu. Với Phí phát triển, theo chuyên gia này, cần thêm thời gian để nghiên cứu, lấy ý kiến chuyên gia. “Vấn đề là mức bao nhiêu cho hợp lý, còn các nước đều thu cả”, ông Doanh nói.
Theo một lãnh đạo Bộ Xây dựng, đây là những vấn đề phát sinh từ thực tiễn, cần có nghiên cứu cụ thể. “Người đưa ra đề xuất cũng mới nhận định ban đầu, để có chính sách cần xem xét từ cơ sở thực tiễn và cơ sở khoa học”, vị này nói. Theo vị này, mong muốn thì rất nhiều, nhưng làm được không lại là vấn đề khác.
(Theo TPO)