Trong số 30 cụm công nghiệp (CCN) với tổng diện tích 1.900 ha đã được Tp.HCM quy hoạch, chỉ có 3 CCN được đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh. 27 CCN còn lại đang loay hoay tìm nhà đầu tư hoặc quy hoạch lại gây nên nhiều nghịch lý trong quy hoạch.
Nhà đầu tư hạ tầng thờ ơ
Với mô hình CCN, để đầu tư hạ tầng cho nó cũng cần những điều kiện không khác gì đầu tư một khu công nghiệp. Trước khi cho doanh nghiệp (DN) vào thuê đất, chủ đầu tư phải có đất trống, đầu tư hạ tầng hoàn chỉnh. Nhưng với các CCN hiện hữu thì ngược lại. Tại 13 CCN không có đơn vị kinh doanh hạ tầng thực chất là các địa điểm sản xuất công nghiệp xen cài trong khu vực dân cư, tồn tại trước khi được đưa vào quy hoạch các CCN theo Quyết định số 4809/QĐ-UBND của UBND TP.
Chẳng hạn như CCN Phú Mỹ có diện tích 80 ha tại phường Phú Thuận, quận 7, mặc dù chưa có chủ đầu tư, hạ tầng kỹ thuật chưa được đầu tư đồng bộ, chưa có khu xử lý nước thải tập trung, nhưng đang có 25 DN hoạt động, sản xuất dầu ăn, thiết bị điện, sản phẩm nhựa, nước chấm, gia vị, gia công cơ khí, chiết nạp gas, sản xuất bê tông tươi... tập trung ở CCN này. Do không gọi được nhà đầu tư nên dân cư ngày càng lấn dần vào khu vực này. Báo cáo gần đây nhất của UBND quận 7 cho biết, diện tích của CCN đã giảm còn 43 ha vì số còn lại đã chuyển thành… đất thổ cư.
UBND quận 8 kiến nghị thay đổi quy hoạch cụm công nghiệp Bình Đăng thành khu thương mại dịch vụ, dân cư
Một trường hợp tương tự khác là CCN Bình Đăng (quận 8). CCN này có 28 DN hoạt động nhưng dân cư sinh sống rất đông đúc xen cài dày đặc với các nhà máy. Cơ sở hạ tầng của CCN này trong thời gian gần đây không được cải tạo nên hệ thống đường giao thông xuống cấp, hệ thống thoát nước cũng không có gây nên tình trạng ngập úng rất nghiêm trọng khi triều cường và mưa to. 11 CCN còn lại vì không thể mời gọi nhà đầu tư nên cũng đang rơi vào tình trạng tiến lùi đều khó. Nhiều DN trong CCN nỗ lực để tồn tại bằng cách đầu tư hệ thống xử lý nước thải cục bộ.
Tuy nhiên, do không được quy hoạch đồng bộ từ trước nên dân cư ngày càng bám sát tường nhà máy để sinh sống. Các chuyên gia môi trường cho hay, nếu DN đảm bảo hết các tiêu chuẩn về môi trường thì người dân cũng không thể sống nổi nếu không có khoảng cách cách ly đối với CCN.
CCN không khả thi phải nhường chỗ cho khu dân cư
tại các CCN, diện tích đất thuộc sở hữu DN, hộ gia đình, nếu muốn quy hoạch lại hạ tầng, chủ đầu tư phải thực hiện công tác giải tỏa, đền bù và tái bố trí, tái đầu tư cho DN hiện hữu trên mảnh đất ấy. Sự chồng chéo này đã gây nên lãng phí xã hội và tổn thất lớn cho DN đang hoạt động sản xuất và DN đầu tư hạ tầng. Nhưng nếu giữ nguyên hiện trạng cũ thì lại không thể xây dựng hạ tầng.
Vì những bất cập như thế mà tình trạng ô nhiễm đã kéo dài hàng chục năm qua tại các CCN này. Vì quá bức xúc, nhiều quận huyện như quận 8, 12, Bình Tân, Củ Chi, Hóc Môn, Thủ Đức… đã đồng loạt đề xuất UBND TP cho phép chuyển đổi công năng quy hoạch CCN. Cụ thể, UBND quận 8 kiến nghị UBND TP điều chỉnh đưa CCN Bình Đăng ra khỏi quy hoạch phát triển CCN của TP và điều chỉnh công năng sử dụng đất từ CCN sang dịch vụ, thương mại, công nghiệp phù hợp với nhu cầu phát triển của xã hội.
CCN Đông quốc lộ 1A không những chưa có đơn vị kinh doanh hạ tầng mà còn chưa có quy hoạch chi tiết nên UBND quận Bình Tân đề xuất đưa CCN này ra khỏi quy hoạch phát triển CCN của TP. Còn UBND huyện Hóc Môn kiến nghị điều chỉnh quy hoạch CCN Tân Hiệp A (10ha còn lại), Tân Hiệp B (đã có chủ đầu tư nhưng chậm trễ triển khai đầu tư hạ tầng) thành khu dân cư nông thôn...
Gỡ rối cơ chế quản lý
Trưởng phòng Quản lý Công nghiệp Sở Công thương, ông Trần Anh Hào cho biết, thay đổi quy hoạch CCN hiện tại là điều rất cần thiết trong thời điểm hiện tại. Đối với những CCN hiện hữu có diện tích trên 75 ha, có đơn vị kinh doanh hạ tầng, đủ điều kiện chuyển thành khu công nghiệp thì nên đề xuất chuyển thành khu công nghiệp.
Với những CCN có tiềm năng phát triển, có thể thu hút đơn vị kinh doanh hạ tầng và có diện tích nằm trong giới hạn (dưới 75 ha) thì xem xét tiếp tục quy hoạch CCN. Còn trường hợp những CCN có DN đang hoạt động xen cài trong dân cư, không có hàng rào cách ly, không có đơn vị đầu tư và quản lý cơ sở hạ tầng thì nên đưa ra khỏi quy hoạch phát triển CCN hoặc chuyển sang chức năng khác. Mặt khác, phải thực hiện dự trữ và bổ sung quỹ đất dành cho phát triển công nghiệp đến năm 2030 trên địa bàn Tp.HCM.
Đến năm 2020, dựa trên cách tính toán quy hoạch mới, ước tính trên địa bàn Tp.HCM chỉ có 9 CCN với tổng diện tích 428,3 ha. Tp.HCM định hướng đến năm 2030, tổng cộng sẽ có 11 CCN với tổng diện tích 570,3 ha thay vì 30 CCN như hiện nay.
(Theo Sài Gòn giải phóng)