Tiến độ xây dựng của dự án đường vành đai 2 cho đến nay vẫn rất chậm trễ bởi vấp phải sự phản đối gay gắt của người dân, nhất là trong khâu giải phóng mặt bằng.
Đường vành đai 2 là tuyến giao thông nội đô khép kín của Hà Nội, tổng chiều dài dự kiến là 43,6 km nhưng hiện tại tuyến này vẫn chưa khép kín do cầu Nhật Tân chưa hoàn thành. Nguyên nhân chính của sự chậm trễ này là do vướng mắc ở khâu giải phóng mặt bằng cho người dân.
Qua sự khảo sát của phóng viên, tại nhà của các hộ sống ở đường Bưởi, phường Ngọc Khánh đều đã được cắm mốc chỉ giới, tuy nhiên, mốc chỉ giới đã cắm mấy năm nay những cho đến thời điểm hiện tại vẫn chưa thấy Ban giải phóng mặt bằng đề cập gì đến chuyện giải tỏa.
Công trình chậm tiến độ chủ yếu do chưa giải quyết được mặt bằng.
Nói đến chuyện đền bù để giải phóng mặt bằng, các hộ dân tại đây đều bức xúc vì cho rằng giá đền bù của Nhà nước là quá thấp so với giá thị trường. Anh Đào Đức Nam (44 đường Bưởi) cho biết: “Mới đây, một người dân cạnh nhà anh đã bán mảnh đất 60m2 với giá 17 tỉ đồng, như vậy tính ra xấp xỉ 300 triệu đồng/m2, vậy mà cái giá đền bù đầu tiên mà nhà nước đưa ra cho chúng tôi cách đây vài năm lại chỉ có 32 triệu đồng/m2. Chúng tôi cũng không mong giá đền bù của nhà nước sẽ cao được như giá thị trường, nhưng cũng phải tương đối phần nào để người dân chúng tôi đỡ thiệt thòi chứ”.
Bà Đào Thị Bích bức xúc: “Nhà nước không có đền bù thỏa đáng thì làm sao chúng tôi giao mặt bằng cho họ xây dựng được chứ. Tiền đền bù chưa kể thấp cao, nhưng những thiệt thòi mà chúng tôi phải chịu thì thật không thể đong đếm nổi”.
Làm một phép tính đơn giản, trước đây gia đình bà Bích thuê cửa hàng trên mặt đường Bưởi để kinh doanh buôn bán, giá thuê là 15 triệu đồng/tháng. Nhưng hồi ấy giao thông còn sầm uất, đi lại thuận tiện chứ không ngổn ngang như bây giờ, trung bình mỗi tháng bà cũng kiếm được hơn chục triệu, trừ chi phí thuê cửa hàng thì gia đình bà vẫn còn để ra được từ 5-7 triệu/tháng.
Nhưng từ khi công trình được khởi công xây dựng, nơi đây luôn chìm trong khói bụi, giao thông thường xuyên ách tắc, khiến việc kinh doanh của các hộ dân nơi đây trở nên khó khăn hơn.
“Bây giờ một tháng tiền thuê cửa hàng giảm xuống chỉ còn 10 triệu/tháng mà chúng tôi còn không kiếm đủ tiền để trả chứ đừng nói đến lãi. Sắp tới chúng tôi cũng phải trả cửa hàng này, kiếm nơi khác kinh doanh thôi” – bà Bích cho biết.
Được biết, từ khi nơi đây bắt đầu xây dựng, việc kinh doanh buôn bán trở nên khó khăn nên rất nhiều người đang thuê cửa hàng để kinh doanh đều phải trả lại để tìm nơi khác. Chính vì vậy mà giá thuê cửa hàng cũng như giá nhà trọ ở đây đều giảm đáng kể.
Theo lời kể của người dân, lần đầu tiên Nhà nước đưa ra giá đền bù là 32 triệu/m2, nhưng thấy quá thấp so với giá thị trường nên người dân đã cùng nhau khiếu nại, sau đó giá đền bù được tăng lên 62 triệu đồng, rồi đến 82 triệu đồng, nhưng cho đến nay vẫn chưa thỏa thuận xong với dân cư khu vực giải tỏa về mức giá chung cho việc giải phóng mặt bằng.
Trước đó, ngày 5/8, tại cuộc họp giữa Bộ Giao thông vận tải với UBND thành phố Hà Nội và các sở, quận, huyện, chủ tịch TP. Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã yêu cầu các sở ngành, đặc biệt là Sở Tài chính, nhanh chóng đưa ra mức giá bồi thường để trình thành phố duyệt, đồng thời yêu cầu các cấp chính quyền đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng. Nhưng một lần nữa, các sở ngành liên quan vẫn lúng túng trong việc đưa ra mức giá đền bù để giải phóng mặt bằng, dẫn đến việc chậm trễ trong tiến độ xây dựng công trình.
Dân không thiết tha với đường vành đai 2, vì sao?
Di tích đê Bưởi bị đào xới khi xây dựng đường vành đai 2.
Từ khi dự án được ban hành, rất nhiều người dân, đặc biệt là người dân trong khu vực giải tỏa đều bày tỏ ý kiến không muốn xây dựng đường vành đai 2. Trước hết là vì lo ảnh hưởng đến cuộc sống ổn định của họ. Bởi nếu bắt đầu thi công công trình này thì đồng nghĩa với việc họ phải bắt đầu với một cuộc sống mới, đó là điều không ai mong muốn.
Tại nhà của những hộ dân sống ở khu vực đường Bưởi, mốc chỉ giới cho thấy mỗi nhà sẽ mất đi vài chục centimet. Tính ra thì chẳng đáng gì, nhưng việc lấy đi vài chục centimet của mỗi hộ dân nơi đây cũng sẽ làm hỏng kết cấu xây dựng của ngôi nhà, đồng nghĩa với việc sau khi giao đất cho nhà nước, họ lại phải đầu tư một khoản tiền không nhỏ để sửa lại ngôi nhà cho kiên cố. Và khi ấy, liệu số tiền đền bù ít ỏi kia có đủ để họ làm việc này hay không?
Chính vì lẽ đó, người dân nơi đây chẳng ai muốn tự dưng phải bỏ ra một số tiền lớn để sửa lại ngôi nhà đang yên ổn của mình. Bên cạnh đó, nhiều người dân cũng cho rằng, nếu không xây dựng tuyến đường vành đai 2 thì sẽ giúp tiết kiệm được hàng nghìn tỷ đồng cho ngân sách quốc gia, vì không phải chi khoản tiền khổng lồ ấy cho việc giải phóng mặt bằng.
Những dân cư gốc Hà thành thì lại tỏ ra luyến tiếc di tích lịch sử đê Bưởi đã có từ hàng nghìn năm nay, cùng rất nhiều cổ vật có giá trị nằm trong đó. Đây cũng luôn được coi là “cánh rừng hiếm hoi”, là lá phổi xanh của thành phố, nên khi phải dỡ bỏ tất cả để đầu tư cho công trình giao thông này thì tất nhiên, những người dân Thủ đô vẫn không đành lòng…
(Theo ĐS&PL)