Vừa qua, Tp.HCM đã chỉ đạo phải có một cơ quan dự báo để đưa ra số liệu chính xác và những nhận định khách quan cho thị trường bất động sản (BĐS) trước thực trạng loạn thông tin về thị trường như hiện nay.
Theo Phó giám đốc Sở Xây dựng Tp.HCM Nguyễn Văn Danh, Sở được giao chủ trì nghiên cứu Đề án Phát triển và quản lý thị trường BĐS của thành phố với mục tiêu làm sao để phát triển thị trường BĐS ổn định, tránh những dự báo thiếu chính xác, gây nhiễu loạn thông tin...
Trao đổi với phóng viên về cách để lấy con số thực, ông Danh cho hay, hàng quý, hàng tháng, Cục Thuế Tp.HCM sẽ đưa ra báo cáo về số lượng sản phẩm được đã xuất hóa đơn VAT. Với công cụ này, chúng ta có được con số tương đối về lượng hàng đã bán ra. Bên cạnh đó, Phòng giao dịch Nhà của Sở sẽ cung cấp số lượng giao dịch nhà ở. Ngoài ra, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ cấp số liệu sổ đỏ đối với các dự án mới. Các sở ngành sẽ có sinh hoạt chuyên đề để trao đổi thị trường theo định kỳ 6 tháng 1 lần.
Về tác động của sự ra đời cơ quan dự báo này tới các tổ chức chuyên dự báo thị trường lãnh đạo Tp.HCM đánh giá, nhận định của các tổ chức chỉ là số liệu dùng để tham khảo. Công bố của cơ quan chuyên môn sẽ không bị ảnh hưởng bởi nhận định của các tổ chức này. Tp.HCM muốn đưa ra cho người tiêu dùng và các tổ chức một công cụ đánh giá chuyên nghiệp và tin cậy.
Thị trường BĐS phát triển lành mạnh hơn khi có một cơ quan dự báo
chuyên nghiệp, khách quan (ảnh: Lê Toàn)
Theo chị Cao Thị Nguyệt, nhân viên BIDV, đang tìm mua nhà tại các dự án chung cư, cơ quan dự báo này không biết đến khi nào ra đời, chứ hiện tại thì những khách hàng như chị không biết làm sao vì trong cùng một thời điểm, lại có những dự báo khách nhau, có khi là trái ngược nhau của các tổ chức nghiên cứu thị trường.
Đối với doanh nghiệp, Tổng giám đốc Công ty Phúc Khang Lưu Thị Thanh Mẫu chia sẻ, bà không mấy tin những báo cáo nhận định thị trường BĐS Việt Nam của các tổ chức nghiên cứu.
Theo bà Mẫu, kinh doanh BĐS ở nước ta như kiểu đi trong bóng tối, doanh nghiệp không có dữ liệu, số liệu khách quan để lập kế hoạch cho phù hợp. Tại Singapore hay Hồng Kông (Trung Quốc), doanh nghiệp cần số liệu gì, ở khu vực nào là sẽ có rất chi tiết, cụ thể. Đơn cử, trong một quận có bao nhiêu dự án, bao nhiêu căn hộ loại gì, mật độ phân bố thế nào, giá mỗi căn hộ bao nhiêu...
Vị này cũng cho biết, doanh nghiệp cần một công cụ đánh giá chuyên nghiệp và khách quan của Nhà nước, từ đó giúp doanh nghiệp giảm thiểu được công sức và thời gian trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư. Như tình hình hiện tại, doanh nghiệp sẽ không thể tránh được việc chuyển đổi mục đích dù dự án đang được triển khai dở vì không đủ số liệu đúng để đánh giá chính xác, dẫn đến quyết định đầu tư sai.
Thị trường BĐS Việt Nam không phải đến lúc này mới cần một công cụ đánh giá chuyên nghiệp mà vấn đề này đã được đặt ra cách đây cả chục năm, tuy nhiên, vẫn chưa có cơ quan nào lên tiếng.
Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, Phó giám đốc Công ty Đất Lành Nguyễn Văn Đực cho biết, ông đã nhiều lần cảnh báo về việc nhận định thị trường, cũng như con số tồn kho của thị trường BĐS, nhưng không ai chịu nghe. Giống như lúc ông đề xuất căn hộ nhỏ cũng khó khăn trăm đường.
Nhiều thành viên thị trường vui khi đón nhận thông tin Tp.HCM sẽ có cơ quan đánh giá thị trường BĐS chuyên nghiệp. Tuy nhiên, nhiều người vẫn tỏ ra nghi ngại chủ trương này sẽ lại nằm trên giấy tờ. Nhưng trao đổi phóng viên, ông Danh khẳng định, đây là chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Tp.HCM để thị trường BĐS thành phố phát triển bền vững, ổn định.
(Theo Tin nhanh chứng khoán)