Trước tình hình còn nhiều bất cập trong sử dụng đất tại các dự án bị thu hồi, hủy bỏ quyết định đầu tư đối với các doanh nghiệp chây ì triển khai, vào chiều 16/10, Ban Kinh tế Ngân sách HĐND TPHCM có buổi làm việc với một số Sở: TN-MT, Xây dựng, Kế hoạch-Đầu tư nhằm đưa ra giải pháp cho vấn đề này.
Sở Tài nguyên và Môi trường Tp.HCM cho biết, hiện có 469 dự án với diện tích hơn 4.362 ha do chưa hoàn thành bồi thường và làm thủ tục để được giao đất, chuyển mục đích sử dụng đất đã phải chấm dứt văn bản chấp thuận địa điểm đầu tư; điều chỉnh, cắt giảm quy mô để đẩy nhanh tiến độ 9 dự án với quy mô 137 ha, thu hồi hủy bỏ quyết định của 67 dự án với diện tích 1.033 ha.
Nhằm giải quyết các quyền lợi cho người dân, Tp.HCM đã chỉ đạo các quận, huyện công khai các dự án bị hủy bỏ, thu hồi.
Vấn đề giải quyết quyền lợi của người có đất trong dự án bị thu hồi sẽ được thực hiện theo nguyên tắc khi đã chấm dứt, hủy bỏ dự án ở phần diện tích mà chủ đầu tư chưa bồi thường, chưa nhận chuyển nhượng thì UBND Tp.HCM sẽ giao cho quận, huyện rà soát các vấn đề pháp lý để cấp ngay giấy chủ quyền cho người dân cũng như cấp phép xây dựng khi người dân có yêu cầu...
Nếu chủ đầu tư muốn đầu tư lại dự án trên phần đất đã nhận chuyển nhượng hoặc bồi thường vẫn thuộc quyền sở hữu của chủ đầu tư thì phải thực hiện theo quy định hiện hành.
Theo một số đại biểu Ban Kinh tế Ngân sách Tp.HCM thì công tác thông tin các dự án bị thu hồi tại một số quận, huyện còn chưa tới được với người dân một cách đầy đủ và rõ ràng. Quyền lợi cho người dân sau khi xóa dự án treo cũng cần giám sát để được đảm bảo.
Trước đó, từ năm 2013, thực hiện sự chỉ đạo của UBND Tp.HCM, Sở Tài nguyên và Môi trường TP đã rà soát 155 khu đất do 72 doanh nghiệp nhà nước quản lý. Các dự án này đã được UBND TP và Bộ Tài chính cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để xây dựng theo quy hoạch của TP nhằm tạo nguồn thu cho ngân sách, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Tuy nhiên quá trình triển khai dự án do chưa đánh giá đúng năng lực của các doanh nghiệp chủ đầu tư hoặc các liên doanh, liên kết để thực hiện đầu tư dự án dẫn đến nhiều dự án không được triển khai hoặc chậm triển khai.
Sở Tài nguyên và Môi trường đã trình UBND TP hướng giải quyết vấn đề này. Theo đó, thứ nhất, cho tiếp tục thực hiện đầu tư dự án còn hiệu lực. Thứ ba đối với những trường hợp không báo cáo, TP xử lý theo quy định, có thể thu hồi đất. Thứ hai, hủy bỏ chủ trương chấp thuận địa điểm đầu tư hết hiệu lực.
(Theo SGĐTTC)