Theo Sở Xây dựng Tp.HCM, vi phạm trật tự đô thị có rất nhiều hình thức như vi phạm về khảo sát xây dựng, lập dự án đầu tư, thiết kế dự toán. Tuy nhiên, thời gian qua, thanh tra xây dựng chỉ quan tâm đến việc xây dựng sai phép và không phép mà ít xem xét đến các vi phạm khác.
Sở Xây dựng vừa trình UBND Tp.HCM dự thảo Quy chế phối hợp quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn Thành phố. Theo đó, nhiệm vụ của thanh tra Sở Xây dựng, UBND cấp huyện, UBND cấp xã và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan trong công tác phối hợp kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm trật tự xây dựng được xác định rõ ràng hơn.
Theo Sở Xây dựng, vi phạm trật tự đô thị có rất nhiều hình thức như vi phạm về khảo sát xây dựng, lập dự án đầu tư, thiết kế dự toán, giám sát thi công, quản lý chất lượng… Tuy nhiên, thời gian vừa qua thanh tra xây dựng chỉ quan tâm đến việc xây dựng sai phép và không phép mà ít xem xét đến các vi phạm khác.
Chỉ riêng vi phạm sai phép, không phép, trong quý I-2013 các cơ quan chức năng đã phát hiện 985 trường hợp vi phạm. Từ ngày 15/5 đến 30/5/2013, chỉ riêng huyện Bình Chánh đã phát hiện, lập biên bản 238 căn nhà xây dựng không phép trên đất nông nghiệp. Tính đến thời điểm này, trên toàn địa bàn Thành phố đã phát hiện gần 2.000 căn nhà xây dựng trái phép.
Có thể khẳng định, tình hình xây dựng trái phép trên địa bàn Tp.HCM đang diễn biến rất phức tạp. UBND Thành phố cũng đã chỉ đạo thành lập Tổ công tác đặc biệt do Giám đốc Sở Xây dựng làm Tổ trưởng để xử lý các trường hợp vi phạm về trật tự xây dựng đô thị.
Tại buổi làm việc chiều ngày 23/9 với các sở, ngành và lãnh đạo 24 quận, huyện của Tp.HCM để xem xét, trao đổi hướng xử lý đối với dự thảo Quy chế này, ông Nguyễn Hữu Tín, Phó Chủ tịch UBND Tp.HCM cho rằng, cái gốc của vấn đề chính là tính minh bạch và công khai trong quy trình cấp phép xây dựng.
“UBND Tp.HCM đồng tình giao chủ tịch UBND phường/xã trực tiếp chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, cơ chế nào để chủ tịch phường/xã đảm đương nhiệm vụ này thì cần phải làm rõ”, ông Tín nhấn mạnh.
Theo ông Nguyễn Hữu Tín, để Quy chế đi vào cuộc sống một cách hiệu quả cần phải có cơ chế kiểm tra, cơ chế phát hiện và cơ chế xử lý. Điều quan trọng là đề phòng, phát hiện ngăn chặn ngay từ đầu. Nếu để xảy ra sai phạm thì phải xử lý nghiêm, công bằng và cương quyết.
(Theo SGĐTTC)