Trang mua bán nhà đất hàng đầu Việt Nam

"Nghẹn ngào" trả lại khu công nghiệp

Cập nhật: 25/09/2013 10:41

Quy hoạch, đăng ký đầu tư rầm rộ vào thời kỳ kinh tế nóng trước đây, nhưng đến nay nhiều dự án đầu tư khu công nghiệp (KCN), khu đô thị phục vụ KCN, khu dân cư... ở nhiều địa phương đang bị các nhà đầu tư trả lại, tuyên bố ngưng đầu tư. Hầu hết nhà đầu tư đều nêu lý do thiếu vốn, nếu làm sẽ thua lỗ nặng nề.

Bị trả lại, nhiều dự án buộc phải xóa quy hoạch. Những dự án đã đầu tư một phần, các địa phương phải lo tiền trả lại nhà đầu tư, lo tìm nhà đầu tư mới thế chân...

6 năm: kéo được 1 nhà đầu tư

"Trước đến giờ trên cả nước chưa có ai xử phạt trường hợp nào về việc chủ đầu tư chậm triển khai hoặc trả dự án. Hiện chúng tôi đang xem xét để có những đề xuất trong Luật đất đai, Luật đầu tư sửa đổi sắp tới để có những ràng buộc đối với các chủ đầu tư. Chẳng hạn anh triển khai đền bù một phần đi chăng nữa mà triển khai không đảm bảo thì Nhà nước thu hồi không hoàn lại cho nhà đầu tư đó"

Ông Lê Công Đỉnh (phó giám đốc Sở Kế hoạch - đầu tư tỉnh Long An)

Nằm ở vị trí được xem là có nhiều thuận lợi cho phát triển kinh tế biển, đặc biệt ngành công nghiệp dầu khí VN, KCN dịch vụ dầu khí Soài Rạp (Gò Công Đông, Tiền Giang), với 285ha, từng được kỳ vọng sẽ là địa điểm lý tưởng thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Theo quy hoạch do UBND tỉnh Tiền Giang phê duyệt vào tháng 4-2007, KCN này có tên KCN tàu thủy Soài Rạp do Công ty TNHH một thành viên Đầu tư phát triển công nghiệp tàu thủy phía Nam (thuộc Vinashin) làm chủ đầu tư, tập trung với ngành xây dựng nhà máy đóng tàu, khu cảng biển cho tàu Lash, khu công nghiệp phụ trợ ngành đóng tàu.

Sau hơn ba năm ì ạch, vào tháng 11/2010, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định chuyển đổi công năng thành KCN phục vụ ngành dầu khí. Đầu năm 2011, UBND tỉnh Tiền Giang đã cấp phép thành lập KCN dịch vụ dầu khí Soài Rạp do Tổng công ty CP Xây lắp dầu khí VN (PVC) làm chủ đầu tư. Tháng 4/2011, PVC đã có quyết định giao cho công ty con của mình là Công ty CP Xây lắp đường ống bể chứa dầu khí VN (PVC-PT) làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, đến nay khi đã qua tay hai chủ đầu tư, KCN dịch vụ dầu khí Soài Rạp lại bị nhà đầu tư trả lại cho địa phương.

Thời điểm hiện nay, KCN dịch vụ dầu khí Soài Rạp mới chỉ có một nhà máy chính thức đi vào hoạt động là nhà máy của Công ty cổ phần Sản xuất ống thép dầu khí VN. Đi sâu vào trong KCN, hàng trăm hecta đất đai trước đây là đất rừng phòng hộ, đất nuôi tôm của người dân... giờ bỏ hoang, cỏ mọc um tùm. Cả KCN rộng mênh mông nhưng giờ vắng lặng như tờ.

Tại đây, tấm biển khẳng định “sở hữu” của nhà đầu tư PVC-PT với dự án vẫn nằm chơ vơ, xung quanh là đất hoang và cỏ mọc. Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện PVC-PT xác nhận đã trả lại dự án vì khó thu hút nhà đầu tư vào KCN. Trước đó, PVC cho biết tính đến ngày 31/12/2012, số tiền đầu tư vào dự án khoảng 101,49 tỉ đồng để xây dựng đường vào KCN, điện, nước...

Đến rồi đi...

Tại tỉnh Long An hiện nay nhiều người dân vẫn chưa hết bức xúc sau khi nhiều chủ đầu tư đã bỏ đi sau nhiều năm ôm đất dự án. Theo Sở Kế hoạch - đầu tư Long An, chỉ trong tám tháng đầu năm 2013 đã có tới 20 dự án chủ đầu tư xin trả hoặc buộc phải thu hồi. Trong đó nhiều dự án buộc phải xóa quy hoạch để trả lại đời sống ổn định cho người dân.

Tấm biển khẳng định 'sở hữu' của nhà đầu tư PVC-PT nằm chơ vơ tại Khu công nghiệp
Soài Rạp (Tiền Giang)

Dẫn chúng tôi về khu ấp 3 và ấp 4, xã Hướng Thọ Phú, TP Tân An, nơi mà cách đây mấy năm Công ty CP đầu tư Nam Quân đến xin đất làm dự án khu đô thị, ông Nguyễn Ngọc Sang - chủ tịch UBND xã Hướng Thọ Phú - vẫn chưa hết bức xúc. “Dự án được phê duyệt năm 2008, sau đó chủ đầu tư cù cưa gia hạn đến năm 2010 rồi 2011 cho đến nay vẫn không triển khai. Người dân trong khu vực quy hoạch đã sống tạm bợ bao năm qua vì không dám xây dựng, sửa sang nhà cửa” - ông Sang nói.

Cũng trong tình trạng tương tự, hàng loạt dự án chủ đầu tư xin thoái lui tại Long An với nhiều dự án chiếm diện tích và vốn đăng ký lớn. Đáng nói như dự án làng đại học tại xã Long Hậu, huyện Cần Giuộc do Công ty CP Phát triển nhân lực và KHCN Long An làm chủ đầu tư với diện tích 181ha; dự án khu vui chơi giải trí và đô thị VN của chủ đầu tư là Công ty Long An Theme Resort... Ông Lâm, một người dân ở đây, thắc mắc: “Mấy năm trước các dự án đổ về đây xí đất đai, nhiều đến mức mỗi khi ra đường là thấy nhân viên tiếp thị của dự án kê bàn ngồi phát tờ rơi, phát loa quảng cáo rình rang. Nay không hiểu vì sao mà thấy im lìm và lặng lẽ ra đi hết”.

Tại Tây Ninh, mới đây Công ty CP Ngoại thương và đầu tư phát triển Tp.HCM (Fideco) tuyên bố sẽ ngưng đầu tư vào dự án khu đô thị Trảng Bàng với 189ha (dự án phục vụ KCN Trảng Bàng). Đã hơn năm năm kể từ ngày triển khai đầu tháng 5/2008 nhưng dự án vẫn giậm chân tại chỗ. Đến nay, khu đô thị Trảng Bàng vẫn chỉ nằm trên giấy. Nhà đầu tư vẫn đang quy hoạch chi tiết 1/2.000. Sau nhiều năm “ôm” dự án, mới đây hội đồng quản trị Fideco đã quyết định ngưng đầu tư vì xét thấy không khả thi. “Nếu tiếp tục đầu tư sẽ phải chịu chi phí rất lớn và không mang lại lợi nhuận. Hội đồng quản trị đã thống nhất sẽ không tiếp tục đầu tư và trả lại dự án cho tỉnh Tây Ninh để giao cho nhà đầu tư khác” - đại diện hội đồng quản trị Fideco cho biết.

Địa phương xóa quy hoạch

Ông Lê Công Đỉnh, phó giám đốc Sở Kế hoạch - đầu tư tỉnh Long An, cho biết nếu các dự án xin trả mà không ảnh hưởng đến quy hoạch thì không chế tài. Khi thỏa thuận địa điểm cho chủ đầu tư, cho họ thời hạn một năm để họ triển khai các thủ tục liên quan. Sau một năm đó xét thấy triển khai một số điểm chưa kịp thì xem xét cho gia hạn nhưng chủ đầu tư phải trình bày được lý do khách quan. Thời gian gia hạn là sáu tháng, tùy vào tình tiết có thể xem xét gia hạn lần một, lần hai. Còn việc thu hồi các dự án của nhà đầu tư xuất phát từ việc họ trình bày không còn đủ năng lực thực hiện dự án và trả lại vì nhiều dự án chưa cấp giấy chứng nhận đầu tư mà mới chỉ là thỏa thuận.

Khu công nghiệp Soài Rạp (Tiền Giang) mới chỉ có một nhà máy hoạt động

Cũng theo ông Đỉnh, riêng đối với các nhà đầu tư làm ăn chụp giật, thấy làm ăn được thì nhảy vào xí phần, đến khi thấy không ổn thì trả, phía Long An đang có những đề xuất với tỉnh có những giải pháp thẩm định và đánh giá năng lực của nhà đầu tư ngay từ đầu. Xem họ có thật sự muốn làm hay không, tức là phải có lựa chọn để tránh tình trạng dự án “treo” khổ cho người dân. Ví dụ yêu cầu họ gửi báo cáo tài chính, chứng minh về tài chính.

Tại Tiền Giang, do chủ đầu tư KCN dịch vụ dầu khí Soài Rạp đã đầu tư hơn 101 tỉ đồng vào dự án nên hiện nay tỉnh và chủ đầu tư vẫn đang tiếp tục làm việc để giải quyết các vấn đề còn lại. Một phó giám đốc Sở Kế hoạch - đầu tư tỉnh Tiền Giang cho biết địa phương đã quyết định nhận lại, hiện nay chỉ còn chờ Thủ tướng ra quyết định giao lại dự án cho tỉnh. Số tiền mà nhà đầu tư đã bỏ vào dự án sẽ được bàn bạc cụ thể hướng xử lý khi có quyết định trả về tỉnh. Tỉnh dự kiến trả lại cho doanh nghiệp bằng cách kêu gọi nhà đầu tư khác vào làm.

Xin trả dự án vì thủ tục rườm rà

Trao đổi với Tuổi Trẻ, một vị lãnh đạo của Công ty IMG Phước Đông - chủ đầu tư dự án KCN Phước Đông (xã Phước Đông, huyện Cần Đước, Long An) - khẳng định sẽ xin trả lại dự án cho UBND tỉnh Long An với lý do việc giải phóng mặt bằng bị đình trệ quá lâu.

Theo tìm hiểu, tháng 9/2006 UBND tỉnh Long An đã giao cho doanh nghiệp 144ha để thực hiện dự án KCN Phước Đông. Tuy nhiên, một diện tích đất khoảng 5.400m2 nằm trong khu vực quy hoạch của KCN Phước Đông do một doanh nghiệp tư nhân khác đang khai thác đã không giao lại đất, khiến KCN Phước Đông bị chia cắt và không thể kết nối hạ tầng dẫn đến không thu hút được nhà đầu tư. Văn phòng Chính phủ có công văn yêu cầu chủ tịch UBND tỉnh Long An chủ trì cùng với Bộ Tài nguyên - môi trường, Thanh tra Chính phủ chỉ đạo kiểm tra việc khiếu nại về sử dụng đất tại dự án KCN Phước Đông... nhưng đến nay sự việc vẫn chưa được giải quyết.

(Theo TTO)

TIN CŨ HƠN
CHỦ ĐỀ KHÁC
TIN ĐƯỢC QUAN TÂM