Trang mua bán nhà đất hàng đầu Việt Nam

Tp.HCM tổ chức diễn đàn giữa DN BĐS đối thoại với chính quyền

Cập nhật: 11/04/2014 22:12

UBND Tp.HCM đã tổ chức diễn đàn đối thoại giữa chính quyền TP và doanh nghiệp hoạt động đầu tư- kinh doanh BĐS vào hôm nay, ngày 10/4, nhằm lắng nghe những vướng mắc khó khăn của doanh nghiệp, trên cơ sở đó chính quyền TP sẽ giải quyết, kiến nghị giải quyết để vực dậy thị trường BĐS.

Ông Nguyễn Hữu Tín, Phó chủ tịch PCT UBND TP cùng giám đốc nhiều sở ngành như xây dựng, tài nguyên môi trường, quy hoạch kiến trúc, thuế… đã tham gia đối thoại cùng doanh nghiệp.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP cho biết hiện nay doanh nghiệp BĐS gặp nhiều khó khăn. Trong đó phát sinh từ những quy định nộp tiền sử dụng đất theo Nghị định 69.

Trước mắc để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp ông Châu đề xuất cho phép doanh nghiệp được nộp tiền sử dụng đất theo tiến độ bán hàng và trong thời hạn tối đa 24 tháng, sẽ góp phần làm giảm áp lực tài chính lên doanh nghiệp và tạo điều kiện giảm mặt bằng giá BĐS có lợi cho người tiêu dùng.

Về miễn giảm tiền sử dụng đất, đề nghị có cơ chế miễn giảm tiền sử dụng đất đối với các dự án làm nhà ở thương mại cho thuê giá bình dân trong suốt thời gian thực hiện dự án để khuyến khích phát triển loại hình nhà cho thuê. Nếu doanh nghiệp không tiếp tục thực hiện dự án thì phải nộp tiền sử dụng đất theo quy định. Mức giá cho thuê nhà để hưởng chính sách ưu đãi miễn giảm tiền sử dụng đất do cấp tỉnh quy định.

Riêng đối với Tp.HCM, đề xuất áp dụng miễn giảm tiền sử dụng đất đối với các dự án nhà ở thương mại cho thuê với giá cho thuê khoảng từ 2-3 triệu đồng/căn hộ/tháng. Có cơ chế giảm tiền sử dụng đất đới với các dự án nhà ở thương mại quy mô vừa và nhỏ (dưới 70m2/căn hộ), có giá bán dưới 15 triệu đồng/m2 để góp phần giảm giá bán nhà cho người thu nhập thấp đô thị.

Ngoài ra cần mở rộng cho Việt kiều và người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam. Hiện nay, có hơn 4 triệu người Việt Nam ở nước ngoài, tập trung đông nhất ở Hoa Kỳ. Hàng năm lượng kiều hối gửi về nước trên 10 tỷ USD và nguồn vốn đầu tư của Việt kiều vào các dự án trong nước đã lên đến khoảng 10 tỷ USD.

Hiện nay, người nước ngoài sống làm việc tại Việt Nam rất đông và ngày càng tăng, xu thế một bộ phận người nước ngoài (không thường xuyên làm việc, sinh sống tại Việt Nam) muốn mua nhà tại Việt Nam để nghỉ dưỡng và đầu tư kinh doanh cũng tăng.

Được biết có khoảng 140.000 người Hàn Quốc ở Việt Nam, trong đó khoảng 80.000 người ở TpHCM và hàng chục ngàn người Nhật, Philippinnes… Do vậy nhu cầu mua nhà rất lớn.Cho phép người nước ngoài mua nhà hạng sang tại Việt Nam theo các khu vực được cho phép là thực hiện xuất khẩu tại chỗ, tạo công ăn việc làm và không cạnh tranh với người thu nhập thấp trong nước về nhà ở và góp phần giải quyết hàng tồn kho ở phân khúc nhà ở hạng sang hiện nay.

Ông Lê Chí Hiếu, Chủ tịch Thuduc House, cho biết khủng hoảng BĐS 4-5 năm nay, nhiều dự án đã định giá đất cách đây 4-5 năm (thời điểm sốt đất) nay không còn hợp lý, TP cần định lại giá đất để phù hợp với thực tế. Ông Hiếu, cho rằng nhiều quy định hiện nay quá chặt chẽ dẫn đến cản ngại thị trường BĐS phát triển.

Ông Nguyễn Xuân Quang, Tổng giám đốc CTCP Đầu tư Nam Long, cho rằng trong tình hình hiện nay bắt doanh nghiệp nộp tiền sử dụng đất một lần sẽ rất khó khăn. Nên chăng để cho doanh nghiệp nộp tiền sử dụng đất theo tiến độ bán hàng hoặc triển khai dự án. Nghị định 69 là mấu chốt của việc làm trì trệ, doanh nghiệp muốn đóng tiền sử dụng đất cũng rất khó khăn. Ngoài ra việc định giá theo thị trường thực chất là doanh nghiệp mua đất hai lần đẩy giá thành sản phẩm lên cao.

Bên cạnh những quy định bất hợp lý, nhiều doanh nghiệp cũng phản ánh, có những thủ tục như chồng chéo mâu thuẫn làm cho doanh nghiệp không có lối ra. Một doanh nghiệp phản ánh, đơn vị này đầu tư dự án 90ha ở Nhà Bè 2.500 tỷ đồng, đã giải tỏa được 82%, nhưng thời hạn giai hạn dự án đã sắp hết, nếu không được giao đất (do còn 18% chưa được giải tỏa) buộc doanh nghiệp phải làm lại thủ tục ngay từ đầu hoặc đem dự án ra đấu giá.

Chưa hết, chủ doanh nghiệp này xin Sở GTVT đầu tư xây dựng 1 cây cầu vào dự án và giấy phép xây cầu được cấp và chỉ có giá trị trong vòng 1 năm. Nhưng để được xây cầu doanh nghiệp phải được giao đất trong khi đó dự án vẫn trong tình trạng bồi thưởng dở dang. Doanh nghiệp như trong cái vòng lẩn quẩn. Ngoài ra nhiều doanh nghiệp, cho biết có những thủ tục hay một văn bản cần hỏi quận, huyện, sở ngành có khi vài ba tháng chưa nhận được câu trả lời hoặc chẳng bao giờ trả lời.

Đại diện các sở, ngành lần lượt trả lời các ý kiến thắc mắc của doanh nghiệp. Tuy nhiên phần lớn vẫn thuộc về thẩm quyền các bộ ngành trung ương. Ông Nguyễn Hữu Tín cho biết sẽ ghi nhận tất cả các trường hợp cụ thể của từng doanh nghiệp. Trong khuổn khổ buổi đối thoại chỉ có thể lắng nghe, trao đổi. Sau buổi đối thoại này những vụ việc nào liên quan đến sỏ ngành nào TP sẽ chỉ đạo gỉai quyết. Những trường hợp thuộc thẩm quyền trung ương TP sẽ kiến nghị xem xét gỉai quyết theo thẩm quyền.

(Theo PLTP)

TIN CŨ HƠN
CHỦ ĐỀ KHÁC
TIN ĐƯỢC QUAN TÂM