Kiểm tra nhà trước khi hoàn thành giao dịch là việc nên làm, thậm chí đưa việc này vào một điều khoản trong hợp đồng mua bán nhà như một số nơi đã làm. Điều này cho phép người mua nhà đánh giá toàn bộ căn nhà, xác định bộ phận nào của ngôi nhà bị thiếu, cần sửa chữa hoặc thay thế.
Việc kiểm tra có thể được tiến hành bởi chính người mua hoặc một chuyên gia có kinh nghiệm. Người kiểm tra nhà sẽ cung cấp cho người mua một báo cáo chi tiết, trong đó tóm tắt tất cả những phát hiện của họ.
Điều khoản kiểm tra nhà có thể cho phép người mua từ chối giao dịch mà không mất tiền đặt cọc, nếu kết quả kiểm tra nhà không làm họ hài lòng. Nếu họ vẫn muốn mua ngôi nhà đó, người mua nhà sẽ yêu cầu người bán cải tạo những phần thiết yếu hoặc giảm giá.
Hầu hết các giao dịch bất động sản đều kỳ vọng vào việc thương lượng sau khi kiểm tra nhà. Vì vậy, bạn đừng ngần ngại đưa ra yêu cầu kiểm tra ngôi nhà sắp mua. Dưới đây là một vài mẹo giúp bạn có lợi thế hơn để trong đàm phán sau khi đã kiểm tra nhà.
1. Trao đổi với nhà môi giới bất động sản
Khi bạn nhận được báo cáo từ nhân viên kiểm tra nhà, hãy thảo luận với nhà môi giới bất động sản của bạn. Nhà môi giới sẽ đưa ra các khuyến nghị về những phần sửa chữa cần thiết hoặc những nhượng bộ có thể chấp nhận. Họ cũng cần hiểu rõ về những gì người bán sẽ sẵn lòng hoàn thành để giao dịch diễn ra thuận lợi.
2. Ưu tiên hạng mục cần sửa chữa
Một báo cáo kiểm tra nhà sẽ cho biết nhiều vấn đề. Các vấn đề quan trọng như hệ thống dây điện bị lỗi hoặc mái nhà bị dột nên được ưu tiên xử lý hơn các vấn đề nhỏ.
Hãy lập danh sách những phần quan trọng nhất mà bạn không thể nhượng bộ. Đồng thời bạn cũng nên lập một danh sách khác các hạng mục mà bạn muốn được sửa chữa và thay thế, nhưng bạn có thể sống chung hoặc tự sửa chữa nếu cần.
3. Cân nhắc nhượng bộ các hạng mục chính
Khi nhắc đến các vấn đề nghiêm trọng, chẳng hạn như sàn nhà bị sụt lún, mái nhà mục nát, hệ thống sưởi ấm, thông gió và điều hoà không khí bị trục trặc hoặc nấm mốc, bạn nên yêu cầu người bán sửa chữa hoặc thay thế.
Trong nhiều trường hợp, người bán sẽ đồng ý giảm giá bán. Thời gian thường là yếu tố quan trọng đối với cả hai bên trong một giao dịch bất động sản. Vì vậy, việc giảm giá để bù đắp chi phí sửa chữa thường được mọi người ưu tiên hơn cả.
4. Nhận báo giá từ dịch vụ sửa chữa chuyên nghiệp
Thách thức tiếp theo là xác định chi phí sửa chữa. Bạn sẽ cần tìm hiểu báo giá từ các dịch vụ sửa chữa chuyên nghiệp để đánh giá số tiền bạn cần tiêu tốn nếu bạn đồng ý thỏa thuận giảm giá từ người bán. Điều này có thể giúp bạn có lợi hơn khi thỏa thuận với người bán.
5. Xem xét thị trường
Bạn đang mua sắm ở thị trường của người mua hay thị trường của người bán? Nếu bạn đang ở trong thị trường của người bán, hãy cảnh giác với việc đề nghị quá nhiều hoặc quá vội vàng. Ví dụ, nếu người bán nhận được nhiều ưu đãi từ thị trường, thì bạn không có nhiều thuận lợi khi yêu cầu họ phải tiến hành nhiều phần sửa chữa.
6. Hãy yêu cầu hợp lý
Nói chung, bạn sẽ được đáp ứng nguyện vọng miễn là những yêu cầu của bạn đưa ra là hợp lý. Sau cùng, cả bạn và người bán đều muốn hoàn thành nhanh chóng giao dịch.
Hãy đặt mình vào vị thế của người bán và cân nhắc xem bạn sẽ đồng ý với yêu cầu gì nếu bạn là họ. Nếu yêu cầu của bạn không hợp lý, họ sẽ nói ‘không’ dứt khoát. Khi thương lượng giá nhà sau khi kiểm tra, nhà môi giới nên tư vấn cho bạn về những gì sẽ được coi là vượt quá yêu cầu hợp lý.
7. Biết khi nào nên dừng lại
Nếu bạn không thể đạt được thỏa thuận với người bán trong việc sửa chữa, điều khoản dự phòng cho việc kiểm tra nhà trong hợp đồng sẽ có thể giúp bạn hủy bỏ giao dịch và lấy lại số tiền đã cọc. Nếu người bán không đáp ứng yêu cầu sửa chữa của bạn, thì tốt hơn là bạn nên tìm một ngôi nhà khác đáp ứng các tiêu chuẩn của mình.
Thương lượng sau khi kiểm tra nhà để sửa chữa có thể là một quá trình khó khăn. Tuy nhiên, cả hai bên đều có thể đạt được lợi ích của mình nếu giao dịch thành công. Hãy đưa ra các yêu cầu hợp lý và linh hoạt về những yếu tố có thể nhượng bộ. Nếu vẫn thất bại, bạn có thể rút lui khỏi thỏa thuận.
Theo CafeLand