Nhìn vào thực trạng mua bán có phần tự do, xảy ra nhiều hiện tượng tiêu cực trong thời gian qua, Đà Nẵng đã đưa ra những biện pháp thiết thực nhằm thắt chặt quản lý chung cư.
Thực hiện chương trình “5 không, 3 có”, TP. Đà Nẵng đã đầu tư xây dựng hàng nghìn căn hộ nhà ở xã hội (NOXH), chung cư, bố trí cho người dân thiếu về chỗ ở. Tính đến tháng 10/2013, Đà Nẵng đã bố trí 7.263 căn hộ/tổng số 7.756 căn hộ tại 34 khu nhà chung cư và nhà liền kề do thành phố xây dựng. Tuy vậy, vẫn còn hơn 1.000 trường hợp hồ sơ xin thuê, xin bố trí của người dân và cán bộ công chức, diện thu hút nhân tài, trong khi quỹ chung cư còn ít.
Việc quản lý chung cư lỏng lẻo khiến một thời gian dài, căn hộ đã cấp bị trao đổi, mua bán vô tội vạ. Nhiều vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng các phương thức môi giới làm thủ tục xin cấp, thuê, mua bán chung cư với giá trị tài sản chiếm đoạt lớn đã bị đưa ra xét xử.
Ông Phan Trường Sơn, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân TP. Đà Nẵng cho rằng, nguyên nhân xảy ra nhiều vụ lừa “chạy” chung cư là do lợi dụng người có nhu cầu thuê, mua nhà chung cư không nắm được thông tin, thiếu hiểu biết pháp luật, bên cạnh đó là sự thiếu công khai, minh bạch trong cơ chế, chính sách và thông tin liên quan của chính quyền địa phương trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Lập lại trật tự
Qua kiểm tra tất cả các khu chung cư trên địa bàn từ cuối năm 2012 đến tháng 10/2013, có trên 950 trường hợp (diện giải tỏa) đã sang nhượng căn hộ trái phép cho người khác, có 141 trường hợp cán bộ công chức được bố trí căn hộ chung cư nhưng không đúng đối tượng và sang nhượng lại cho người khác hoặc cho thuê để kiếm lời.
Ông Nguyễn Bá Bình, Giám đốc Công ty Quản lý nhà chung cư Đà Nẵng cho biết, các hộ giải tỏa được cấp chung cư, nếu không sử dụng có thể chuyển đổi cho người khác. Công ty yêu cầu người mua căn hộ diện giải tỏa thực hiện việc chuyển đổi tên và truy thu tiền thuê nhà (kể từ khi được chuyển nhượng tới nay) và tiếp tục thực hiện nghĩa vụ nộp tiền nhà theo quy định.
Ông Trần Thọ, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố cho biết, kể từ tháng 7/2013 đến nay, cơ quan chức năng đã xử lý xong nhiều trường hợp vi phạm về sử dụng căn hộ chung cư, hàng trăm trường hợp đã bị thu hồi hoặc tình nguyện trả lại. Hiện chỉ còn một vài trường hợp dây dưa, cố tình vi phạm, thành phố sẽ tiến hành cưỡng chế thu hồi.
Thời gian tới, TP. Đà Nẵng tiếp tục siết chặt việc quản lý, cấp hợp đồng cho các đối tượng sử dụng chung cư. Theo đó, để được cấp hợp đồng, các chủ hộ phải có 4 – 5 chữ ký xác nhận của nhà trưởng, tổ trưởng tổ dân phố, công an phường, UBND phường và quản lý viên. Các hộ dân phải chứng minh được căn hộ chính chủ, mình đang cư trú tại chung cư trên địa bàn phường, có đóng góp đầy đủ nghĩa vụ với địa phương… Ngoài ra, nếu phát hiện các trường hợp cho thuê lại, công ty sẽ nâng mức cho thuê phòng từ 5 – 6 lần, bằng với giá cho thuê trên thị trường, nâng giá điện ngang bằng giá điện kinh doanh. Các trường hợp chây ì không đóng tiền thuê nhà cũng sẽ không được sử dụng các dịch vụ như điện, nước, cáp truyền hình, điện thoại… Các nhà cung cấp dịch vụ phải có trách nhiệm phối hợp với công ty quản lý chung cư trong việc cung cấp dịch vụ cho người dân trong chung cư để giúp cho việc quản lý chung cư được chặt chẽ, an toàn, ngăn chặn các hành vi trục lợi chính sách chung cư.
Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố đề nghị HĐND chỉ đạo chính quyền thành phố công khai các thông tin liên quan đến việc thuê, mua chung cư, NƠXH một cách cụ thể, chi tiết và tổ chức quản lý việc sử dụng sau cấp để người dân có thể dễ dàng cập nhật, tránh việc bị đối tượng xấu lợi dụng lừa đảo; đồng thời chỉ đạo các cơ quan như UBND xã, phường, các văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất, văn phòng công chứng lưu ý khi xác nhận, công chứng các hồ sơ liên quan để tránh gây thiệt hại cho người dân.
Nhận thấy những bất cập trong mua bán nhà ở, Đà Nẵng đã kịp thời đưa ra những biện pháp nhằm thắt chặt quản lý chung cư. Đây là việc làm cần thiết của thành phố góp phần tránh cho người dân bị thiệt thòi, tiền mất tật mang.
(Theo Thương hiệu & Công luận)