Trang mua bán nhà đất hàng đầu Việt Nam

Đà Nẵng: Xin di dời trường học để phân lô, bán đất nền

Cập nhật: 14/12/2013 09:53

Nếu việc xin chuyển đổi mục đích sử dụng khu đất hơn 5.400m2 sang phân lô thành công, Công ty Nguyễn Hoàng tại TP Đà Nẵng sẽ có một món lợi khổng lồ.

=> Đà Nẵng: Đầu tư mua căn hộ để cho thuê

=> Đà Nẵng: Phân khúc BĐS du lịch hấp dẫn khách hàng

Trong quá khứ, trên địa bàn TP. Đà Nẵng đã từng có một số vụ việc “bán” các cơ sở giáo dục gây bức xúc trong dư luận.

Sau khi vụ việc “bán hụt” Trường MN công lập Tiên Sa cho Công ty Cổ phần lương thực Đà Nẵng bị báo chí phanh phui, Thành ủy Đà Nẵng đã chỉ đạo Quận ủy Hải Châu dừng chủ trương “xã hội hóa” trường Tiên Sa.

Trong quá khứ, trên địa bàn TP. Đà Nẵng đã từng có một số vụ việc “bán” các cơ sở giáo dục gây bức xúc trong dư luận. Một trong những vụ việc đó là chuyện di dời Trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân (quận Thanh Khê) để bán hơn 5.400m2 đất cho Công ty cổ phần công nghệ và giáo dục Nguyễn Hoàng (đóng tại Tp.HCM).

Sau gần 2 năm, dự án xây trường “chất lượng cao” vẫn nằm trên giấy

Trường tiểu học Nguyễn Viết Xuân (viết tắt là trường Nguyễn Viết Xuân) là ngôi trường có bề dày truyền thống của quận Thanh Khê, trường được công nhận chuẩn quốc gia vào năm học 1999 – 2000. Năm 2010, hơn 5.400 m2 đất của trường Nguyễn Viết Xuân (cũ) đã được UBND TP. Đà Nẵng bán lại cho Công ty Nguyễn Hoàng với mục đích ban đầu là đầu tư xây dựng trường THPT chất lượng cao.

Ngày 2/8/2010, lãnh đạo TP. Đà Nẵng đã đồng ý cho Công ty Nguyễn Hoàng xây dựng một trường THPT gồm 2 cơ sở, cơ sở 1 là Trường THCS Cao Thắng (quận Sơn Trà), cơ sở 2 là nơi giảng dạy chính sẽ xây dựng tại trường Nguyễn Viết Xuân.

Ảnh minh họa.

Trước đó ngày 1/3/2010, Công ty Nguyễn Hoàng đã có văn bản gửi Thường trực Thành ủy Đà Nẵng về việc xin thành lập một trường tư thục chất lương cao và đã được Thường trực Thành ủy Đà Nẵng thống nhất về chủ trương.

Sau khi được lãnh đạo TP. Đà Nẵng đồng ý, Công ty Nguyễn Hoàng đã yêu cầu chính quyền địa phương làm nhanh công tác giải phóng mặt bằng để việc xây dựng được tiến hành ngay.

Ngày 23/6/2011, Công ty Quản lý và Khai thác đất Đà Nẵng đã có văn bản số 1359 đề nghị UBND quận Thanh Khê sớm có kế hoạch di dời trường Nguyễn Viết Xuân (cũ) để có mặt bằng thực tế cho Công ty Nguyễn Hoàng tiến hành xây dựng trường THPT chất lượng cao nói trên, đưa vào hoạt động từ quý 4 năm 2012 theo ý kiến chỉ đạo của UBND thành phố.

Tuy nhiên, điều đáng nói là từ khi nhận được mặt bằng đã giải phóng, đến nay đã gần 2 năm, vẫn chưa có sự khởi động nào từ phía nhà đầu tư là Công ty Nguyễn Hoàng.

Khu đất hơn 5.400m2 của trường Nguyễn Viết Xuân trở thành một khu đất hoang phế, rác rưởi bừa bãi, cỏ mọc um tùm.

Mua đất không qua đấu giá rồi xin phân lô, bán đất nền

Trong công tác chuyển giao mặt bằng của khu đất hơn 5.400m2 giữa TP. Đà Nẵng với Công ty Nguyễn Hoàng có một số "mập mờ" về giá mua đất, không thông qua đấu giá.

Cụ thể, ngày 27.12.2010, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng đã ký quyết định quy định giá tiền để chuyển giao khu đất của trường Nguyễn Viết Xuân cho Công ty Nguyễn Hoàng với giá 4,582 triệu đồng/m2.

Nhưng đến 24.5.2011, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng lại ký thêm văn bản số 4335 về “Quy định giá đất để thu tiền giao quyền sử dụng đất cho Công ty Cổ phần Công nghệ và Giáo dục Nguyễn Hoàng”.

Văn bản 4335 có nội dung như sau, “Quy định giá đất ổn định lâu dài, mục đích sử dụng đất giáo dục để thu tiền giao quyền sử dụng đất đối với khu mặt tiền đường quy hoạch 5m song song với đường Nguyễn Tất Thành (Trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân cũ), phường Xuân Hà, quận Thanh Khê có diện tích khoảng 5.000 m2 cho Công ty Cổ phần Công nghệ và Giáo dục Nguyễn Hoàng để xây dựng trường THPT Tư thục chất lượng cao là: 2.790.000 đồng/m2 (Hai triệu, bảy trăm chín mươi ngàn đồng/m2)”.

Với đơn giá như vậy, số tiền Công ty Nguyễn Hoàng bỏ ra để mua lại mảnh đất hơn 5.400m2 rơi vào khoảng 15 tỷ đồng.

Sau khi quá thời hạn khởi công xây dựng công trình trường học chất lượng cao, ngày 25.10.2012, Công ty Nguyễn Hoàng có văn bản gửi UBND TP. Đà Nẵng giải trình về việc chưa tiến hành xây dựng. Cùng với đó là xin chuyển đổi mục đích sử dụng khu đất.

Trong cuộc họp ngày 29.11.2012 về các vấn đề quy hoạch của TP. Đà Nẵng đã đồng ý với chủ trương “cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất đối với khu đất của Công ty Nguyễn Hoàng tại phường Xuân Hà”.

Dựa vào đó, ngày 20.12.2012, ông Trần Đại Hải (tổng giám đốc Công ty Nguyễn Hoàng) ký gửi UBND TP. Đà Nẵng xin tách thửa, chuyển đổi mục đích sử dụng khu đất rộng hơn 5.400m2.

Cụ thể, Công ty Nguyễn Hoàng xin phân khu đất của trường Nguyễn Viết Xuân thành 50 lô, mỗi lô 90m2 (khoảng 80% diện tích khu đất), 20% diện tích còn lại được sử dụng làm đường đi, cống thoát nước.

Trước thông tin này, nhân dân phường Xuân Hà, trong đó có khối phố Tân Chánh vô cùng bức xúc.

Vì trước đó, các hộ dân đã hiến đất để xây trường. Tại buổi tiếp xúc cử tri tháng 4.2013, người dân đã phản ánh vụ việc này và bày tỏ bức xúc với các đại biểu quốc hội của TP. Đà Nẵng.

Chủ tịch UBND phường Xuân Hà, ông Nguyễn Đình Hùng cũng đã có công văn gửi UBND quận Thanh Khê đề nghị việc giữ nguyên quy hoạch xây dựng trường chất lượng cao theo như chủ trương ban đầu của UBND TP Đà Nẵng.

UBND quận Thanh Khê cũng đã có báo cáo gửi lên lãnh đạo UBND thành phố với quan điểm “không nên phân lô mà dành cho các dự án giáo dục về sau nếu Công ty Nguyễn Hoàng không có nhu cầu xây dựng trường học nữa. Vì nhu cầu trường học trên địa bàn quận đang ngày một lớn”.

Ngày 25/6/2013, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng, ông Văn Hữu Chiến đã trả lời về vấn đề này trong buổi tiếp xúc cử tri tại quận Hải Châu như sau: “Trước đây Công ty CP công nghệ và giáo dục Nguyễn Hoàng có đề xuất mua đất để xây trường chất lượng cao. Sau đó họ lại xin chuyển đổi mục đích sử dụng. Tôi đã yêu cầu dừng lại, không xây trường thì thôi, chứ không cho phân lô để bán”.

Nếu việc xin chuyển đổi mục đích sử dụng khu đất hơn 5.400m2 sang phân lô thành công, Công ty Nguyễn Hoàng sẽ có một món lợi khổng lồ. Giá đất tại khu vực này khoảng hơn 10 triệu đồng/m2, nếu nhân với diện tích 50 lô đất (mỗi lô 90m2), Công ty Nguyễn Hoàng sẽ thu về 45 tỷ đồng.

(Theo Một Thế Giới)

TIN CŨ HƠN
CHỦ ĐỀ KHÁC
TIN ĐƯỢC QUAN TÂM