Nếu đang gặp khó khăn về tài chính không thể tiếp tục thực hiện dự án các chủ đầu tư có thể chuyển nhượng toàn bộ hay một phần dự án cho đối tác khác nếu như dự thảo Luật kinh doanh bất động sản sửa đổi được thông qua.
Quy định hiện hành ràng buộc các chủ đầu tư nếu muốn chuyển nhượng thỉ phải chuyển nhượng toàn bộ dự án. Hơn nữa, dự án đó phải hoàn thành công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, phải có các công trình hạ tầng kỹ thuật và tiến độ thực hiện dự án đã được phê duyệt.
Tòa nhà Vincom Center A tại khu vực trung tâm TPHCM, một trong những dự án vừa đổi chủ đầu năm nay. Ảnh: Đình Dũng
Dự thảo luật sửa đổi theo hướng cho phép chủ đầu tư dự án bất động sản “được phép chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án… trong trường ho85p chủ đầu tư gặp khó khăn, không đủ khả năng để tiếp tục thực hiện dự án hoặc chủ đầu tư không còn nhu cầu tiếp tục thực hiện dự án.”
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Tp.HCM (HoREA), nhận định việc chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản là hoạt động kinh doanh bình thường của doanh nghiệp, có hợp đồng, có đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền và chịu thuế.
Ông Châu cho rằng luật nên cho phép chuyển nhượng dự án bất động sản theo nhu cầu kinh doanh của bên chuyển nhượng và bên nhận chuyển nhượng, và bên nhận chuyển nhượng có trách nhiệm thực hiện dự án theo quy hoạch được duyệt.
Dự thảo luật quy định dự án chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần phải có quyền sử dụng đất, và việc chuyển nhượng dự án phải đảm bảo nguyên tắc “không làm thay đổi mục tiêu, nội dung của dự án, phần dự án chuyển nhượng, đồng thời phải bảo đảm quyền lợi của khách hàng và các bên có liên quan”.
Thực ra, lâu nay việc mua bán các dự án vẫn diễn ra dưới hình thức các doanh nghiệp mua lại cổ phần của nhau, thậm chí mua 80-90% cổ phần để thông qua đó sở hữu các dự án bất động sản.
(Theo TBKTSG)