Có khoảng 1,9 triệu lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp trên cả nước, trong số đó, có 70% là người lao động ngoại tỉnh có nhu cầu về thuê nhà ở. Nhưng với số lượng căn hộ hiện có, mới chỉ đáp ứng được khoảng 10%, 90% số công nhân vẫn phải thuê nhà trọ với những điều kiện sống không đảm bảo.
129 dự án nhà ở xã hội hiện đang được Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) tiếp tục triển khai, trong số đó, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp có khoảng 39 dự án, với khoảng 27.000 căn hộ. Số lượng căn hộ này đã giải quyết chỗ ở cho hàng chục ngàn công nhân và lao động. 98 dự án nhà ở xã hội, trong đó 63 dự án nhà ở cho công nhân với khoảng 17.430 căn hộ cũng đã được hoàn thành việc đầu tư xây dựng trước đó.
Tuy nhiên, số lượng căn hộ trên vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu về nhà ở cho công nhân. Hiện có khoảng 1,9 triệu lao động trên cả nước đang làm việc tại các khu công nghiệp, trong đó có tới 70% là người lao động ngoại tỉnh có nhu cầu thuê nhà. Tuy nhiên, số lượng căn hộ trên mới chỉ đáp ứng được khoảng 10%, 90% số công nhân còn lại phải thuê nhà trọ với những điều kiện sống không đảm bảo. Điểm nghịch lý là một số nhà ở do doanh nghiệp xây dựng lại không đủ người ở vì không phù hợp với nhu cầu và khả năng chi trả của công nhân, lao động.
Nhà ở cho công nhân vẫn là vấn đề cần trăn trở trong năm mới
Một ví dụ điển hình là dự án nhà ở cho công nhân tại xã Kim Chung, Đông Anh, Hà Nội với chủ đầu tư là Vinaconex. Dự án này có tổng diện tích sử dụng đất là 20 ha với 24 đơn nguyên gồm 1.084 phòng có thể phục vụ gần 1 vạn chỗ ở cho công nhân. Theo kế hoạch ban đầu thì đi cùng các khu nhà ở này sẽ là các công trình phụ trợ phục vụ dự án như nhà trẻ mẫu giáo, công viên cây xanh, bãi đỗ xe tập trung nhằm đảm bảo chất lượng sống tốt nhất cho công nhân. Nhưng mặc dù quỹ nhà đã đưa vào vận hành được 6 năm nay, các hạng mục trên vẫn... "mất hút".
Chưa kể, thiết kế của khu nhà NO-01 và NO-02 khi đưa vào khai thác lại không phù hợp với tình hình thực tế. Ví dụ như một phòng ở sức chứa hơn 20 công nhân nhưng khu phụ lại quá nhỏ chỉ có 2 chậu rửa mặt, 2 bệ xí. Trong khi đó, công nhân đi làm theo ca, ví dụ 7h sáng tất cả đều dậy đi làm mà người này cứ chờ người kia để vào vệ sinh cá nhân thì sẽ muộn giờ, không đáp ứng được nhu cầu sống cơ bản của công nhân. Ngoài ra, việc khắc phục những sự cố, hỏng hóc tại các khu nhà ở công nhân được tiến hành chậm. Ở dự án này, có đến 15 đơn nguyên trong tổng số 24 đơn nguyên vẫn đang trong thời hạn bảo hành. Khi sự cố xảy ra như tắc đường nước thải, hỏng mạng lưới cấp nước sinh hoạt… thì để được chủ đầu tư xây dựng xử lý, xí nghiệp quản lý phải gửi rất nhiều văn bản.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng, tại một cuộc hội thảo về thực trạng và giải pháp đối với nhà ở cho công nhân, đã nêu ý kiến về việc phải thiết lập chế tài buộc các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động xây nhà ở cho công nhân. Theo Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng, các doanh nghiệp cần phải xem việc xây dựng nhà ở cho công nhân như là một yếu tố để tăng sức cạnh tranh, đồng thời thể hiện trách nhiệm của doanh nghiệp đối với xã hội. Hiện Nhà nước đã có nhiều chính sách khuyến khích xây dựng nhà ở cho công nhân, do vậy các doanh nghiệp cần nhanh chóng vào cuộc.
Tuy nhiên, theo TS. Phạm Sỹ Liêm, Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng thì nhà ở công nhân đã được xã hội hóa từ lâu. Vì do không có sự can thiệp của Nhà nước nên chủ đầu tư thường tận dụng các diện tích đất chật hẹp để xây nhà trọ cho công nhân thuê với giá phù hợp.
Theo ông Liêm, không cần tăng giá thuê mà nên tài trợ kinh phí để chủ nhà trọ cải thiện phòng trọ. UBND các tỉnh, thành nên ủy nhiệm công đoàn các KCN ký hợp đồng tài trợ với các chủ nhà trọ để quản lý chặt chẽ hơn. Tỉnh sẽ được Chính phủ cho phép giữ lại nguồn kinh phí được trích từ tiền thuế của các nhà máy trong KCN để chi vào mục đích cải thiện và phát triển nhà ở cho công nhân.
(Theo Công an nhân dân)