Trang mua bán nhà đất hàng đầu Việt Nam

Quy định lại thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính về đất đai

Cập nhật: 11/12/2014 14:36

Nghị định 102/2014/NĐ-CP vừa được Chính phủ ban hành thay thế nghị định 105/2009/NĐ-CP cấp ngày 11/11/2009 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai đồng thời quy định về xử phạt đối với hành vi lấn, chiếm đất quốc phòng quy định tại Điều 29 của Nghị định 120/2013/NĐ-CP cấp ngày 9/10/2013 cũng được thay thế quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu.

Theo đó, các hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm hành chính, thẩm quyền xử phạt và thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai được quy định với mức phạt lên đến 1 tỷ đồng.

Về thẩm quyền xử phạt, Nghị định mới đã được sửa đổi cụ thể như sau:

Quyền phạt tiền đến 5.000.000 đồng (quy định hiện hành chỉ 3 triệu đồng) sẽ thuộc thẩm quyền của chủ tịch UBND cấp xã.

Quyền phạt tiền đến 50.000.000 đồng (quy định hiện hành là 30 triệu) thuộc thẩm quyền của chủ tịch UBND cấp huyện. Quy định mới cũng không phân biệt tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hay không mà chỉ phân chia thành thẩm quyền của chủ tịch huyện và chủ tịch tỉnh nói chung.

Quyền phạt tiền đến 500.000.000 đồng thuộc thẩm quyền của chủ tịch UBND cấp tỉnh.

Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính về đất đai đã được quy định lại trong Nghị định mới

Thẩm quyền xử phạt của thanh tra chuyên ngành đất đai

Quyền phạt cảnh cáo thuộc thẩm quyền của thanh tra viên đang thi hành công vụ; thanh tra viên đang thi hành công vụ có quyền phạt tiền đến 500.000 đồng; có quyền tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính nếu tang vật, phương tiện đó có giá trị không vượt quá mức tiền phạt được quy định theo thẩm quyền.

Quyền phạt tiền đến 50.000.000 đồng sẽ thuộc thẩm quyền của Chánh Thanh tra Sở, Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành do Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai, Giám đốc Sở, Chánh Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường ra quyết định thanh tra và thành lập Đoàn thanh tra; Các cá nhân, đơn vị này cũng có quyền tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính nếu tang vật, phương tiện đó có giá trị không vượt quá mức tiền phạt được quy định theo thẩm quyền.

Quyền phạt tiền đến 250.000.000 đồng thuộc thẩm quyền của Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành cấp Bộ; Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành cấp Bộ cũng có quyền tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn; có thể tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính nếu tang vật, phương tiện đó có giá trị không vượt quá mức tiền phạt được quy định theo thẩm quyền.

Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành cấp Bộ cũng có quyền buộc khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm; buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm; buộc trả lại diện tích đất đã nhận chuyển quyền do vi phạm; buộc làm thủ tục đính chính Giấy chứng nhận bị sửa chữa, tẩy xóa, làm sai lệch nội dung; buộc hủy bỏ giấy tờ giả liên quan đến việc sử dụng đất; buộc trả lại đất đã lấn, chiếm.

Quyền phạt tiền đến 500.000.000 đồng thuộc thẩm quyền của Chánh Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai.

Chánh Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai cũng có quyền tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn; tịch thu các tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.

Buộc trả lại diện tích đất đã nhận chuyển quyền do vi phạm; buộc khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm;  buộc trả lại đất đã lấn, chiếm; buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm; buộc làm thủ tục đính chính Giấy chứng nhận bị sửa chữa, tẩy xóa, làm sai lệch nội dung; buộc hủy bỏ giấy tờ giả liên quan đến việc sử dụng đất.

Về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của các cơ quan khác

Ngoài những nội dung quy định ở trên, những người của các cơ quan khác có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính thuộc lĩnh vực, ngành mình quản lý theo quy định tại Luật Xử lý vi phạm hành chính, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao mà phát hiện các hành vi vi phạm hành chính quy định trong Nghị định này thuộc lĩnh vực hoặc địa bàn quản lý của mình thì cũng có quyền xử phạt.

Từ ngày 25/12, Quy định này sẽ có hiệu lực thi hành.

(Theo Pháp luật Tp.HCM Online)
TIN CŨ HƠN
CHỦ ĐỀ KHÁC
TIN ĐƯỢC QUAN TÂM