Đó là con số tối thiểu mà Bộ Xây dựng kiểm đếm được tính đến thời điểm Thông tư liên tịch số 20/2013/TTLT-BXD-BNV có hiệu lực.
Trao quyền cho địa phương
Theo quy định của Thông tư số 20/2013 do Bộ Nội vụ và Bộ Xây dựng phối hợp ban hành có hiệu lực từ ngày 5/1/2014, UBND các cấp sẽ giao cho Sở Xây dựng chủ trì tổ chức rà soát, đánh giá thực trạng triển khai và phân loại các dự án phát triển nhà ở, khu đô thị mới đã được chấp thuận, cho phép đầu tư trước ngày Nghị định số 11/2013/NĐ-CP có hiệu lực thi hành ngày 1/3/2013; làm rõ tình hình tồn kho BĐS trên địa bàn để báo cáo UBND cấp tỉnh.
Căn cứ trên kết quả rà soát, đánh giá này, UBND cấp tỉnh sẽ quyết định việc dừng, tạm dừng hoặc cho tiếp tục triển khai các dự án.
Cụ thể, việc phân loại dự án để đề xuất, xem xét quyết định cho dừng, tạm dừng hoặc được phép triển khai cần dựa trên các nguyên tắc cơ bản đối với từng nhóm như sau: Thứ nhất là nhóm dự án được tiếp tục triển khai, gồm các dự án có sản phẩm dự án đáp ứng nhu cầu về nhà ở của thị trường; phù hợp quy hoạch phân khu và chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở đã được phê duyệt; chủ đầu tư có năng lực đảm bảo hoàn thành dự án.
Lần đầu tiên trong nhiều năm qua, Bộ Xây dựng triển khai rà soát tất cả các dự án BĐS trên toàn quốc
Thứ hai là nhóm dự án cần điều chỉnh để được tiếp tục triển khai, gồm các dự án cơ bản thực hiện xong giải phóng mặt bằng, dự án đã thực hiện đầu tư nhưng cần điều chỉnh để phù hợp với quy hoạch đô thị và chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở đã được phê duyệt.
Thứ ba là nhóm các dự án tạm dừng, gồm các dự án đã cơ bản thực hiện xong công tác giải phóng mặt bằng, nhưng có sản phẩm nhà ở cùng loại với sản phẩm đang tồn kho nhiều trên thị trường và không thể điều chỉnh; các dự án chưa thực hiện giải phóng mặt bằng hoặc diện tích đã giải phóng mặt bằng có tỷ lệ thấp (dưới 30%); các dự án mà chủ đầu tư không đủ năng lực thực hiện dự án.
Thứ tư là nhóm các dự án phải dừng, gồm các dự án không giải phóng được mặt bằng, dự án có chức năng không phù hợp quy hoạch đô thị được duyệt; dự án thực hiện chậm tiến độ phải bị xử lý thu hồi theo quy định của pháp luật về đất đai và BĐS.
Xử lý đất bỏ hoang
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, tính đến hết tháng 9/2013, cả nước có 4.015 dự án với tổng mức đầu tư ước tính 4.486.674 tỷ đồng. Trong đó, các dự án đã hoàn thành giải phóng mặt bằng: số lượng 2.105 dự án; tổng diện tích đất: 30.991 héc-ta; tổng vốn đã đầu tư cho giải phóng mặt bằng khoảng 154.957 tỷ đồng. Các dự án đang giải phóng mặt bằng: số lượng 689 dự án; tổng diện tích đất 37.482 héc-ta; tổng vốn đã đầu tư cho giải phóng mặt bằng khoảng 99.914 tỷ đồng.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho biết, qua hoạt động này, các cơ quan chức năng đã tiến hành phân loại, điều chỉnh cơ cấu dự án cho phù hợp với thực tế của từng địa phương. Chẳng hạn như các dự án tiếp tục triển khai là 3.154 dự án (78,6%); các dự án cần phải điều chỉnh cơ cấu cho phù hợp, điều chỉnh quy hoạch là 455 dự án (chiếm 12%); các dự án tạm dừng triển khai là 524 dự án (chiếm 13%).
“Qua kết quả báo cáo, so với thời điểm cuối quý I/2013, số dự án tạm dừng tăng 386 dự án”, ông Dũng nói và cho biết, hiện còn có 337 dự án chưa có thông tin chi tiết với tổng diện tích đất khoảng 4.902 héc-ta, hiện nay các địa phương đang tiếp tục cập nhật số liệu bổ sung để báo cáo.
Hướng giải quyết các "dự án treo" kiểu này, theo ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, là cần xác định ranh giới rõ ràng để quyết định loại dự án nào là vi phạm pháp luật đất đai tới mức phải thu hồi đất mà không bồi thường mọi giá trị đã đầu tư vào đất (sử dụng lãng phí, không đúng mục đích, đầu cơ đất, chậm đưa đất vào sử dụng), và loại dự án nào chỉ bị đánh thuế luỹ tiến (đầu tư chậm hoặc không đưa đất vào sử dụng đúng thời hạn).
Sở dĩ phải phân loại một cách minh bạch vì theo ông Võ, Luật Đất đai mới được ban hành đã quy định chủ đầu tư được gia hạn sử dụng 24 tháng và phải nộp cho Nhà nước khoản tiền tương ứng với mức tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với thời gian chậm tiến độ thực hiện dự án. Hết thời hạn được gia hạn mà chủ đầu tư vẫn chưa đưa đất vào sử dụng thì Nhà nước thu mới hồi đất mà không bồi thường về đất và tài sản gắn liền với đất, trừ trường hợp do bất khả kháng.
“Trong bối cảnh hiện nay, dự án nào rơi vào tình trạng bị ‘treo’ thì nên xin bị thu hồi lại đất theo quy định của pháp luật hiện hành để được trả lại tiền đã đầu tư vào đất, hơn là để đến sau ngày 1/7/2014 sẽ thiệt hại nhiều hơn do bị thu hồi trắng. Ngoài ra, cũng còn phương án ‘tốt’ hơn là bằng mọi cách để chứng minh rằng, dự án không thể thực hiện do yếu tố bất khả kháng trong hoàn cảnh thị trường BĐS đang rất khó khăn”, ông Võ đưa ra lời khuyên.
(Theo ĐTCK)