Trước tình trạng giải ngân ì ạch của gói hỗ trợ 30.000 tỷ, đã có đại biểu quốc hội cho rằng Chính phủ nên thu hồi lại. Trước động thái trên, phía Bộ xây dựng lập tức đưa ra nhiều giải pháp "tháo khoán" gói này.
Mở rộng đối tượng được vay vốn
Mới đây, Bộ Xây dựng đã hoàn thiện bản báo cáo tình hình thị trường bất động sản năm 2013 và kiến nghị các giải pháp, nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường này trong thời gian tới. Đặc biệt, trong 6 giải pháp liên quan đến gói tín dụng hỗ trợ nhà ở 30.000 tỷ đồng, có đến 4 giải pháp kiến nghị việc mở rộng đối tượng được vay vốn.
Theo quy định hiện hành, một trong những đối tượng được vay vốn từ gói hỗ trợ này là để mua căn hộ có diện tích từ 70 m2 trở xuống và giá bán dưới 15 triệu đồng/m2. Sau gần 1 năm triển khai, các ngân hàng đã cam kết cho vay 3.048 khách hàng với tổng số tiền cam kết đạt 2.909 tỷ đồng; trong đó đã giải ngân cho 3.023 khách hàng với dư nợ cho vay 1.322 tỷ đồng, đạt gần 4,5% (tính đến hết ngày 15/3/2014).
Trước thực trạng chậm trễ trên, tại phiên họp mới đây, đại biểu Ngô Văn Minh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã đòi Bộ Xây dựng trả lại gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng cho Chính phủ để bố trí làm việc khác.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho rằng, 30.000 tỷ đồng không phải là gói giải cứu để chia hết cho nhanh như một số người hiểu lầm, mà phải đáp ứng đủ điều kiện mới được vay. "Muốn cho vay thì phải có nhà thu nhập thấp, trong khi nguồn cung nhà loại này lại ít thì giải ngân thế nào được", ông Dũng nói.
Tuy nhiên, mới đây, Bộ Xây dựng lại kiến nghị Chính phủ cho phép mở rộng đối tượng vay để mua nhà ở thương mại có tổng giá trị hợp đồng cả nhà và đất không quá 1,05 tỷ đồng (không khống chế về diện tích và đơn giá).
Theo lý giải của một chuyên viên Bộ Xây dựng, mức tiền 1,05 tỷ đồng được xây dựng trên cơ sở diện tích căn hộ 70 m2, giá bán 15 triệu đồng/m2. Quy định này có thể hiểu, người mua căn hộ 50 m2 với giá 20 triệu đồng/m2 hay 100 m2 với giá 10 triệu đồng/m2 đều được vay từ gói hỗ trợ. Như vậy, trong cả 2 trường hợp kể trên đều trái với quy định tại Nghị quyết 02 của Chính phủ.
“Lấn sân” chương trình khác
Bộ Xây dựng cũng kiến nghị Chính phủ cho phép mở rộng cho vay đối với các hộ dân ở vùng thường xuyên xảy ra bão lũ thuộc các tỉnh duyên hải miền Trung, đã có đất ở phù hợp với quy hoạch, có khó khăn về nhà ở (chưa có nhà ở hoặc có nhà ở nhưng xuống cấp hư hỏng) được vay để xây dựng hoặc sửa chữa nhà ở với lãi suất 4%/năm.
Kiến nghị này đã “lấn sân” sang Chương trình 716 của Chính phủ về thí điểm giải pháp hỗ trợ hộ nghèo nâng cao điều kiện an toàn chỗ ở, ứng phó với lũ, lụt vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung được triển khai từ giữa năm 2012 và cũng do Bộ Xây dựng chủ trì.
Mới đây, từ kết quả triển khai thí điểm tại 7 tỉnh vùng Bắc Trung bộ và Duyên Hải miền Trung với 700 hộ nghèo, Bộ Xây dựng vừa đề xuất với Chính phủ về chính sách hỗ trợ các hộ nghèo khu vực miền Trung xây dựng nhà ở phòng chống lũ lụt. Theo đó, sẽ có khoảng 40.000 hộ nghèo ở vùng thường xuyên bị thiên tai, lũ lụt thuộc 14 địa phương khu vực miền Trung (từ tỉnh Thanh Hóa đến Bình Thuận) được thụ hưởng chính sách này.
Cụ thể, ngân sách nhà nước sẽ cấp 10 triệu đồng/hộ (vùng đặc biệt khó khăn, mức hỗ trợ là 12 triệu đồng/hộ). Cùng với đó, các hộ còn được Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay ưu đãi tối đa 15 triệu đồng/hộ, cộng với khoảng 10 triệu đồng đóng góp của chính gia đình, cộng đồng, cùng các nguồn khác..., sẽ giúp tạo lập những căn nhà vượt lũ an toàn cho người dân.
Với các nguồn vốn hùng hậu và phương thức “vừa cho vừa vay” như trên, liệu việc Bộ Xây dựng kiến nghị cho các đối tượng trên được vay thêm từ gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng có là hợp lý?
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, Chính phủ đưa ra gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng là để hỗ trợ cho người thu nhập thấp tiếp cận được với nhà ở trong điều kiện bất động sản đang đóng băng như hiện nay, với mong muốn các doanh nghiệp bất động sản sẽ tự điều chỉnh lại giá bán cho hợp lý hơn. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp không đáp ứng được các yêu cầu này, sản phẩm đưa ra thị trường chưa phù hợp với nhu cầu thực tế. Vì vậy, thị trường chưa nhận được tác động tích cực thực tế của gói tín dụng này.
“Nếu gói 30.000 tỷ đồng bị thu hồi, cũng không ảnh hưởng đến thị trường là bao, bởi thực tế, chỉ có vài doanh nghiệp tiếp cận được gói vốn này. Còn đối với người thu nhập thấp, chắc chắn cũng khó tiếp cận vì không có phương án trả nợ”, ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty Đất Lành nhìn nhận.
(Theo ĐTCK)