Trang mua bán nhà đất hàng đầu Việt Nam

Việt Nam nên thành lập ngân hàng tiết kiệm nhà ở

Cập nhật: 09/01/2014 13:29

Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng, Việt Nam nên có ngân hàng tiết kiệm nhà ở hoạt động theo cơ chế tín dụng thương mại và chỉ dành riêng cho lĩnh vực nhà ở, cho vay, thuê mua nhà ở.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho biết, hiện nay người dân đang rất thiếu nguồn vốn để sở hữu được nhà ở. Trong khi đó việc tiếp cận nguồn vốn vay từ các ngân hàng thương mại rất khó, hơn nữa lãi suất lại rất cao. Ở nhiều nước trên thế giới lãi suất vay mua nhà rất thấp chỉ từ 1 - 3%, trong khi Việt Nam ngay cả gói 30.000 tỷ đồng thì lãi suất vẫn rất cao.

Chính vì vậy, theo Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng, Việt Nam nên có ngân hàng tiết kiệm nhà ở hoạt động theo cơ chế tín dụng thương mại và chỉ dành riêng cho lĩnh vực nhà ở, cho vay, thuê mua nhà ở. "Vốn nhàn rỗi dùng mua trái phiếu Chính phủ hoặc trái phiếu do Chính phủ bảo lãnh để an toàn. Nếu chưa phù hợp với luật thì nên thực hiện thí điểm theo yêu cầu của Văn phòng Chính phủ", ông Dũng nói.

Trước đó, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho hay, việc thành lập ngân hàng tiết kiệm nhà ở sẽ được đưa vào Luật Nhà ở sửa đổi. Dự kiến đến năm 2017 ngân hàng tiết kiệm nhà ở đầu tiên sẽ được thành lập.

Về nguyên tắc, ngân hàng tiết kiệm nhà ở sẽ là một tổ chức tín dụng được thành lập ra chỉ chuyên cấp tín dụng trong lĩnh vực nhà ở. Ngân hàng này nhận tiền gửi có trả lãi suất của người có nhu cầu tham gia gửi tiết kiệm để mua nhà nhưng chưa có đủ để làm ngay và cũng chỉ cho các đối tượng này vay với lãi suất luôn thấp hơn lãi suất thương mại trong thời gian từ 10 - 15 năm hoặc lâu hơn nữa. Người gửi vào sẽ chưa được vay ngay lập tức mà phải qua quá trình tiết kiệm, có thể 3 - 5 năm, hoặc lâu hơn với mức tiết kiệm được từ 50 - 70% số tiền định vay thì có thể được vay bằng số tiền đã gửi vào...

Tuy nhiên bên cạnh những ý kiến ủng hộ, ý tưởng này cũng gặp không ít những phản biện từ các chuyên gia về tính khả thi. "Hiện thu nhập của người dân còn rất thấp, sẽ khó mà đảm bảo được tính ổn định trong việc tiết kiệm. Hơn nữa yếu tố trượt giá, lạm phát luôn biến động… sẽ khiến việc duy trì một mức lãi suất thấp ở mức ổn định trong một thời gian dài là điều vô cùng khó", tiến sĩ Phạm Sỹ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết.

Đại diện Ngân hàng Nhà nước cũng cho rằng, việc thành lập ngân hàng tiết kiệm nhà ở trong thời điểm hiện nay là chưa phù hợp. Đồng thời cùng có quan điểm là nên thí điểm để chứng minh tính khả thi. Bởi ngân hàng này, nếu không có sự hỗ trợ của Chính phủ thì trong một thời gian dài khó mà kiểm soát được biến động lãi suất, giá cả về bất động sản. Hơn nữa, nếu thành lập thì ngân hàng này phải hoạt động dưới dạng ngân hàng chính sách, chuyên về tài trợ, cho vay mua nhà ở, cần có điều kiện cụ thể để chứng minh sự cần thiết.

Kết luận về vấn đề này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, ý tưởng về ngân hàng tiết kiệm nhà ở đã có từ thời Thủ tướng Võ Văn Kiệt, tuy nhiên vẫn chưa làm được vì không có nguồn hỗ trợ. Bởi vậy, muốn làm mô hình này phải tính toán, có đề án thí điểm. Vì vậy, ngân hàng tiết kiệm nhà ở vẫn cần nhiều công đoạn để trở thành hiện thực.

(Theo TCVN)

TIN CŨ HƠN
CHỦ ĐỀ KHÁC
TIN ĐƯỢC QUAN TÂM