Sáng nay (ngày 5/2), trong buổi Tọa đàm trực tuyến về triển khai "Đề án giãn dân phố cổ", UBND quận Hoàn Kiếm và các Sở, ban, ngành cho biết, nơi ở mới đã được thiết kế mặt bằng kinh doanh cho người dân phố cổ.
Vấn đề giãn dân phố cổ trong những năm qua gặp nhiều khó khăn. Mặc dù chính sách đúng nhưng người dân dường như chưa cảm nhận được. Nói chính xác hơn là họ chưa thấy được những quyền lợi thoả đáng. Phần lớn những người dân sống ở phố cổ đều làm nghề buôn bán, kể cả việc bán hàng vặt. Vì thế, họ mong muốn việc giãn dân, di dân phải có quy hoạch và tính tới cả lợi ích kinh tế của mình.
Trước những băn khoăn này, Chủ tịch UBND Quận Hoàn Kiếm Dương Đức Tuấn cho hay, một trong các mục tiêu đề ra khi nghiên cứu đề án và các dự án thành phần là đáp ứng công ăn việc làm hậu giãn dân mà không phải chỉ là đơn thuần nơi sống.
Theo ông Tuấn, quận Hoàn Kiếm đã xây dựng khu đô thị mới giãn dân có tính đặc trưng khác biệt với sự tư vấn của các cơ quan chức năng có thẩm quyền trong và ngoài nước. Thiết kế này đảm bảo không gian sống hiện đại, bền vững cho các hộ dân, có tầng 1-2 liên kết với không gian ngầm phía dưới và không gian những căn hộ phía trên để phục vụ cho mục đích kinh doanh dịch vụ, thương mại.
Phó Chủ tịch thường trực UBND quận Hoàn Kiếm Lâm Quốc Hùng cũng chia sẻ thêm, người dân phố cổ có truyền thống kinh doanh buôn bán thương mại, dịch vụ, du lịch là chính. Do đó, khu giãn dân đã được quy hoạch đồng bộ, bảo đảm đầy đủ hạ tầng trạm y tế, nơi sinh hoạt cộng đồng, trường học, nơi kinh doanh được thiết kế dọc các lối đi nội bộ, theo nhóm ngành hàng... nên các ngành nghề kinh doanh vẫn sẽ được duy trì. Hy vọng rằng, khi bà con chuyển đến nơi ở mới, những ngành nghề truyền thống của phố cổ vẫn tiếp tục được duy trì, phát triển.
Buổi Tọa đàm trực tuyến về triển khai "Đề án giãn dân phố cổ"
Trưởng phòng quy hoạch kiến trúc 2 (Sở Quy hoạch Kiến trúc TP. Hà Nội) Nguyễn Trọng Kỳ Anh cho biết, Sở Quy hoạch Kiến trúc TP. Hà Nội trước đây cũng đã tính tới phương án lập lại việc kinh doanh phố nghề. Tuy nhiên, nếu thực hiện việc này tại một khu vực khác thì không có tính khả thi. Do đó, khu giãn dân chỉ bố trí kinh doanh dịch vụ tại tầng 1-2 cho phù hợp.
Phó Ban thường trực Ban Quản lý phố cổ Phạm Tuấn Long khẳng định, đời sống sinh hoạt của người dân chắc chắn sẽ bị tác động bởi việc di dời này, đặc biệt là với trẻ em, người già. Chính vì vậy, quận đã tính toán tới cơ sở hạ tầng xã hội hiện trạng cũng như tổng thể của cả khu đô thị Việt Hưng khi nghiên cứu lập thiết kế của khu nhà giãn dân. Hiện nay, tại khu đô thị Việt Hưng, những điều kiện về trường học các cấp đã được thiết kế đầy đủ. Trong khu nhà giãn dân cũng có khu vực trạm y tế, trường mẫu giáo...
Bên cạnh đó, thành phố sẽ bố trí tầng 1 cho các hộ dân sang đây để kinh doanh, việc kinh doanh này cũng sẽ thu hút các nhân khẩu khác trong gia đình cùng tham gia. Nhờ đó sẽ góp phần tạo ra việc làm ở ngay khu giãn dân mới. Đó chính là điểm khác biệt của dự án này so với những dự án khác đã thực hiện.
Được biết, năm 2012, TP. Hà Nội đã chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng khu nhà giãn dân phố cổ ở Khu đô thị mới Việt Hưng, quận Long Biên.
Kế hoạch cho thấy, giai đoạn 1 của Đề án giãn dân phố cổ sẽ di dời 533 hộ dân đang sống trong di tích, trường học, công sở. Bên cạnh đó, gần 6.000 nhân khẩu đang sống tại những căn hộ có giá trị, giá trị đặc biệt, nhà nguy hiểm, biển số nhà đông hộ, chung cư sở hữu tư nhân cũng thuộc diện giãn dân đợt 1.
Theo đó, những hộ dân thuộc diện di dời sẽ được chuyển tới sinh sống tại khu nhà giãn dân phố cổ ở Khu đô thị mới Việt Hưng, quận Long Biên. Diện tích khu giãn dân là 11,12 ha, bao gồm 16 tòa nhà cao 8-9 tầng và 1 tòa nhà hỗn hợp làm khu trung tâm dịch vụ, thương mại, công trình công cộng cao 15 tầng. Tổng thể khu ở được thiết kế đầy đủ các công trình phúc lợi như trạm y tế, trường học, tuyến phố đi bộ, không gian sinh hoạt cộng đồng...
(Theo Báo Đầu tư Online)