Trang mua bán nhà đất hàng đầu Việt Nam

Phí thuê mặt bằng cao khiến doanh nghiệp bán lẻ "méo mặt"

Cập nhật: 01/10/2014 09:37

Nhiều doanh nghiệp kinh doanh trong ngành bán lẻ cho biết, chi phí cho mặt bằng tại Tp.HCM và Hà Nội chiếm 30-38% tổng doanh thu ngành bán lẻ, trong khi ở nhiều nước tỷ lệ này chỉ dừng lại ở 10-12%.

Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương, Johnathan Hạnh Nguyễn, chia sẻ Tại Diễn đàn CEO Forum năm 2014: "Trong ngành bán lẻ, cạnh tranh về mặt bằng là khốc liệt nhất. Điều đáng ngại là hiện nay chi phí này tại Việt Nam đang chiếm tỷ lệ ngất ngưởng, lên đến 30-38% trên tổng doanh thu bán lẻ, cao gấp 2-3 lần so với nhiều nước".

Chi phí thuê mặt bằng tại Việt Nam quá cao gây ra nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, dẫn đến năng lực cạnh tranh của công ty nội địa bị sụt giảm khi đất nước hội nhập sâu rộng hơn. Hầu hết các doanh nghiệp có quy mô trung bình tại Việt Nam không đủ khả năng chi trả những khoản phí cao để thuê mặt bằng tốt, có vị trí thuận lợi. Họ bị lép vế hẳn so với các đối thủ quốc tế, mà hầu hết đều là những nhà bán lẻ danh tiếng, giàu kinh nghiệm, có tiềm lực tài chính vững mạnh hơn.

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn lý giải, một trong những nguyên nhân dẫn đến các chuỗi cửa hàng ăn uống và bán lẻ nội địa bị yếu thế so với hầu hết các doanh nghiệp nước ngoài phần lớn cũng vì phí mặt bằng. Các thương hiệu Việt Nam thường chưa định vị và định lượng được tất cả các chi phí của một suất đầu tư. Cách kinh doanh của họ đa số vẫn theo hướng lấy công làm lãi, tìm mặt bằng giá rẻ để tiết kiệm chi phí hoặc tận dụng mặt bằng sẵn có của gia đình. Như vậy, chắc chắn là họ có thể thành công một hai cửa hàng nhưng không thể phát triển thành chuỗi lớn, vì lúc đó chi phí mặt bằng sẽ ăn hết doanh thu và lợi nhuận.

"Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn chấp nhận bỏ chi phí cao thuê mặt bằng đẹp để có cơ hội tăng doanh số còn hơn chọn mặt bằng rẻ nhưng không thuận lợi bán buôn để rồi sụt giảm doanh thu và đối mặt với nguy cơ thua lỗ", ông Johnathan Hạnh Nguyễn giải thích.

Theo các nhà bán lẻ, giá thuê mặt bằng tại Việt Nam tuy thấp hơn một số nước trong khu vực nhưng chi phí này lại chiếm hơn 30% trên tổng doanh thu của ngành này. Ảnh: Vũ Lê

Gặp khó khăn về mặt bằng, giám đốc một công ty kinh doanh thời trang phân khúc trung cấp tại Tp.HCM tiết lộ: "Chúng tôi đã hoạt động được 10 năm và có gần chục cửa hàng nhưng chi phí mặt bằng chiếm phần lớn trên tổng doanh thu. Chúng tôi vấp phải thách thức là muốn mở rộng quy mô để tìm nhiều cơ hội hơn nhưng luôn bị bài toán mặt bằng làm đau đầu".

Ông cho biết hầu như chưa dám nghĩ đến việc đưa thương hiệu của mình vào những trung tâm thương mại danh tiếng và những gian hàng có vị trí đắc địa để mở chi nhánh vì chắc chắn không kham nổi khoản kinh phí khổng lồ này. 

Còn Chủ tịch Công ty cổ phần Khuôn Việt, Mai Trường Giang, Quản lý chuỗi nhà hàng đồ ăn nhanh, tiệm bánh, quán cà phê Chewy Junior, chia sẻ: "Chi phí cho mặt bằng bán lẻ của chúng tôi chiếm trung bình 25-30% trên tổng doanh thu. Đây là khó khăn lớn nhất cản trở đà tăng trưởng của các doanh nghiệp có tham vọng phình to chuỗi bán lẻ".

Ông Giang ví dụ, một cửa hàng Chewy Junior ở khu trung tâm Singapore diện tích 15m2, giá thuê 10.000 USD/tháng nhưng doanh thu có thể đạt tới 100.000 USD/tháng. Tính ra giá thuê mỗi m2 mặt bằng ở Singapore là gần 6.700 USD/tháng, tuy cao hơn Việt Nam hàng chục lần (100-200 USD/m2/tháng tại khu vực trung tâm) nhưng chỉ chiếm 10% trên tổng doanh thu.

Nghịch lý nằm ở chỗ, giá thuê mặt bằng bán lẻ tại Việt Nam không cao bằng các nước khác nhưng chi phí cho mặt bằng trên tổng doanh thu thì lại chiếm tỷ lệ trên 30% bởi sức mua của người tiêu dùng Việt Nam ngày càng yếu trong những năm qua và thấp hơn nhiều so với các nước.

"Giá thuê mặt bằng bán lẻ là nhà phố tại Tp.HCM (không tính các trung tâm thương mại) hầu như không giảm trong giai đoạn thị trường bất động sản khủng hoảng. Thậm chí, chủ nhà vẫn tăng ít nhất 10% mỗi năm với lý do trượt giá, điều này đã đẩy chi phí thuê chiếm 30-50% doanh thu bán lẻ. Điểm bất hợp lý này có thể đánh gục những doanh nghiệp vừa và nhỏ nội địa có tiềm lực hạn chế trong bối cảnh khối ngoại đang xâm nhập thị trường bán lẻ Việt Nam ngày càng sâu rộng", ông Giang cảnh báo.

(Theo Vnexpress)

TIN CŨ HƠN
CHỦ ĐỀ KHÁC
TIN ĐƯỢC QUAN TÂM