Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nước ta sẽ có 11 sân golf bị loại khỏi quy hoạch, nhưng Bộ cũng đã có đề xuất cấp phép cho 11 sân golf mới để thay thế.
Quyết định cuối cùng còn chờ Thủ tướng Chính phủ, nhưng trong tờ trình mới nhất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dự kiến sẽ có 11 sân golf bị đưa ra khỏi Quy hoạch Phát triển sân golf đến năm 2020.
Nhiều sân golf đã góp phần vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương
Đề xuất này được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra sau khi kiểm tra, rà soát tình hình thực hiện quy hoạch sân golf theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 1946/QĐ-TTg ngày 26/11/2009 về việc phê duyệt Quy hoạch Sân golf Việt Nam đến năm 2020 và Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 18/4/2012 về việc tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát thực hiện Quy hoạch Sân golf.
Những dự án chậm triển khai, hoặc không đáp ứng các tiêu chí, điều kiện hình thành theo quy định sẽ bị loại khỏi quy hoạch.
Tháng 8 năm ngoái, chính UBND tỉnh Đồng Nai đã có công văn gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị loại ra khỏi Quy hoạch các sân golf Long Thành (giai đoạn II) và Đại Phước Nhơn Trạch.
Trước đó, tháng 4/2012, tỉnh Long An đề nghị chấm dứt thực hiện Dự án Sân golf Golden Palm Cần Giuộc. Tháng 11/2011, UBND tỉnh Quảng Ninh đã đề nghị thu hồi giấy chứng nhận đầu tư đối với Dự án Sân golf Yên Lập, 165 ha, với lý do để bảo vệ rừng phòng hộ đầu nguồn.
Trong khi đó, Sân golf Sam Tạng Mai Châu (Hòa Bình), 350 ha, hay Nam A Lăng Cô - Huế cũng thuộc diện bị đề nghị đưa ra khỏi Quy hoạch Sân golf, cùng với một loạt sân golf khác ở Lâm Đồng, Hà Nam, Khánh Hòa, Bình Thuận.
Nhưng “người cũ” chưa đi, thì đã có “người mới” xếp hàng. Liên tục trong thời gian vừa qua, các địa phương đã có đề xuất về việc bổ sung các sân golf mới vào Quy hoạch. Cân nhắc kỹ cả về yêu cầu trước mắt và lâu dài, có dự báo đến xu thế phát triển của loại hình thể thao golf, gắn với việc quản lý về đất đai, quy hoạch sử dụng đất lúa, dựa trên kiến nghị của các địa phương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ bổ sung 11 sân golf vào Quy hoạch.
“Tất cả các sân golf đề nghị bổ sung vào Quy hoạch đều được các địa phương quy hoạch ở những khu vực có tiềm năng lớn về phát triển du lịch, là các vùng đất cát, đất đồi núi trọc, không có khả năng sản xuất nông nghiệp và nhất là không sử dụng đất lúa, kể cả đất lúa một vụ, đất màu, đất lâm nghiệp có rừng…”, nguồn tin của Báo Đầu tư cho biết.
Trong số 11 sân golf được đề nghị bổ sung vào Quy hoạch, đáng chú ý có các sân golf Yên Bình (Thái Nguyên), Lăng Cô (Thừa Thiên Huế), Hải Thanh (Thanh Hóa)… Tỉnh Thái Nguyên đã đề xuất bổ sung 3 sân golf, nhưng xét theo thứ tự ưu tiên, trước mắt, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị bổ sung sân golf Yên Bình. Còn Bình Thuận, sẽ được bổ sung 2 sân golf vào Quy hoạch.
Nằm trong danh sách các địa phương được đề nghị bổ sung sân golf vào Quy hoạch lần này còn có Khánh Hòa, Hải Phòng, Hà Nam, Long An và Quảng Ninh.
Tuy đề nghị là bổ sung mới, nhưng trên thực tế, có người ra, kẻ vào, nên nếu được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, số sân golf có trong Quy hoạch vẫn sẽ là 90 sân, đúng theo Quyết định 1946/QĐ-TTg.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các sân golf hiện đã đi vào hoạt động có đóng góp vào phát triển du lịch, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của các địa phương. Tình hình sử dụng đất để đầu tư sân golf cũng đã được các địa phương chấp hành và tuân thủ nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, như không sử dụng đất lúa, đất xây dựng khu công nghiệp, khu đô thị để xây dựng sân golf…
(Theo Đầu tư)