Được hứa sau khi trả một nửa tiền giá căn hộ cách đây đến 20 năm nhưng giờ đây một số hộ dân trong khu tập thể Công ty CP sản xuất bao bì và hàng xuất khẩu vẫn chờ dự án.
Tập thể A5 tại 77 đường Ngọc Hồi
Cụ thể, nộp trước 50% giá trị căn hộ từ năm 1991 để nhận được lời hứa, khi nào trả đủ tiền người dân sẽ được sở hữu căn hộ đó. Thế nhưng hơn 20 năm qua, cư dân khu tập thể Công ty CP sản xuất bao bì và hàng xuất khẩu (số 77 Ngọc Hồi, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội) vẫn mỏi mòn chờ đợi quyết định trao nhà từ phía công ty.
Nhà mình, tên người
Được khởi công xây dựng từ năm 1985, nhưng mãi đến năm 1991 khu tập thể A5 của Xí nghiệp liên hợp sản xuất bao bì và Hàng xuất khẩu – Bộ Thương nghiệp (nay là Công ty CP Sản xuất bao bì và hàng XK) mới được đưa vào sử dụng. Đây là một khu tập thể 5 tầng kiểu cũ vốn dự tính xây để phân cho cán bộ công nhân của xí nghiệp. Tuy nhiên, do thời gian thi công quá lâu nên đến khi hoàn thành, chế độ phân nhà đã được Nhà nước hủy bỏ. Ông Lê Chiêm, trú tại phòng 103 vốn là cán bộ cũ của xí nghiệp cho biết: “Hồi đó, để có được tiêu chuẩn phân nhà, cán bộ công nhân viên chúng tôi phải bình xét qua nhiều cấp rồi mới được duyệt. Cộng thêm thời gian chờ đợi tới 6 năm, những tưởng cán bộ, công nhân rồi sẽ có nơi ăn chốn ở ổn định để yên tâm công tác. Ai dè đến khi nhà xây xong thì chế độ phân nhà thay đổi, bởi vậy nên chúng tôi mới rơi vào cảnh trớ trêu như bây giờ…”.
Thay vì ra quyết định phân nhà, vị giám đốc xí nghiệp lúc đó đã ra văn bản “Hợp đồng cho thuê nhà ở”. Bản hợp đồng này ghi rõ các gia đình cán bộ của xí nghiệp được thuê phải nộp trước 50% giá trị căn hộ. Số tiền còn lại phải nộp dần theo từng tháng. Đến khi nào nộp hết thì đổi hợp đồng thuê nhà và xí nghiệp sẽ giao quyết định cho chủ nhà được quyền sở hữu căn hộ đó. Để có tiền, hầu hết các gia đình đã phải chạy vạy vay mượn khắp nơi. Và ai cũng hy vọng rồi sẽ đến lúc mình có toàn quyền sở hữu. Thế nhưng…
Ông Chiêm cho biết: “Đến năm 2006, xí nghiệp tiến hành cổ phần hóa và yêu cầu những ai còn nợ tiền nhà thì phải nộp nốt. Oái oăm ở chỗ, khi chúng tôi đã nộp hết tiền thì họ đưa luôn toàn bộ tòa nhà này vào danh sách tài sản của công ty để cổ phần. Việc đưa nhà của chúng tôi vào tài sản của công ty là một hình thức chiếm đoạt trắng trợn”.
Chị Hoàng Nguyệt Minh ở số phòng 401 nhà A5 phản ánh: “Cả tòa nhà nằm bên ngoài hàng rào của xí nghiệp, trong khi đó cũng cùng trên một mảnh đất của khu tập thể bao bì, nhưng hơn 160 hộ dân vốn trước đây cùng xí nghiệp cũng được phân nhà cấp 4 thì nay đã được chuyển về cho địa phương là tổ dân phố số 8 phường Hoàng Liệt quản lý và mua nhà theo nghị định 61CP. Trong khi đó gần 30 hộ còn lại của nhà A5 thì nay vẫn rơi vào cảnh lửng lơ vì nhà cửa trên giấy tờ vẫn là tài sản của công ty. Hiện nay, chúng tôi muốn làm sổ đỏ hay mua bán, chuyển nhượng, thế chấp đều không được vì không có giấy tờ hợp pháp. Chúng tôi đã nhiều lần đề nghị với công ty về việc phải xác định đây là tài sản của chúng tôi, đồng thời chuyển toàn bộ hiện trạng khu tập thể A5 cho địa phương quản lý để làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà, nhưng họ luôn từ chối”.
Chưa biết đến bao giờ?
Trước những bức xúc của cư dân nhà A5, phóng viên ANTĐ đã liên hệ với lãnh đạo Công ty CP Sản xuất bao bì và hàng XK để tìm hiểu. Bà Ngô Thanh Thủy - Phó Tổng giám đốc công ty cho hay: “Năm 1991, vị giám đốc tiền nhiệm của xí nghiệp có ký hợp đồng cho các hộ dân thuê nhà và yêu cầu các hộ nộp trước 50% giá trị hợp đồng. Nhưng sự việc cũng chỉ dừng ở đó. Số tiền 50% còn lại về sau cũng không ai thu, không ai nộp. Đến năm 2004 UBND TP Hà Nội đã có văn bản đồng ý về mặt nguyên tắc cho phép chuyển toàn bộ diện tích của xí nghiệp (bao gồm cả nhà A5) sang dự án xây dựng “Khu văn phòng giao dịch, nhà ở, chung cư cao tầng…”. Chính vì lẽ đó nên năm 2007 chúng tôi đã có buổi họp với cư dân A5 và sau đó thống nhất, các hộ dân sẽ nộp nốt số tiền 50% còn lại rồi cùng công ty tiến hành thực hiện dự án. Khi nào dự án hoàn thành, công ty sẽ trả lại cho mỗi hộ dân 1 căn hộ với diện tích tương ứng căn hộ cũ. Hầu hết toàn bộ cư dân nhà A5 đều đã đồng ý. Tuy nhiên sau đó vì vấn đề thực hiện các thủ tục đầu tư tiếp theo quá lâu, rồi tình hình bất động sản đóng băng nên dự án hiện vẫn chưa triển khai được. Đó chính là nguyên do khiến người dân bức xúc”.
Về quan điểm cho rằng nhà A5 là tài sản của người dân, do đó công ty đưa vào danh sách tài sản để cổ phần hóa là không đúng, bà Thủy cho hay: “Về nguyên tắc, hợp đồng ký với người dân là hợp đồng thuê nhà, không phải hợp đồng bán nhà do đó khi thu tiền chúng tôi không phát hành hóa đơn GTGT. Mặt khác, toàn bộ đất của nhà A5 là đất thuê của nhà nước và nằm trong diện quy hoạch dự án. Vì vậy không có cơ sở nào xác định đây là tài sản sở hữu của các hộ dân được. Tuy nhiên chúng tôi cũng rất chia sẻ với trăn trở của người dân, hiện nay dự án chưa thực hiện được thì bà con vẫn còn nhà ở đó chứ không ai có thể đuổi họ ra đường được. Khối tài sản này vẫn là của họ và khi dự án triển khai thì họ sẽ có nhà ở mới”.
Thế nhưng với câu hỏi, khi nào thì người dân có nhà thì bà Thủy thừa nhận: “Chưa biết đến bao giờ dự án mới trở thành hiện thực”. Thế là người dân phải tiếp tục chờ đợi và chờ không biết đến bao giờ.
(Theo ANTĐ)