Chủ tịch HoREA vừa kiến nghị lên Thủ tướng và các Bộ ngành liên quan về một số giải pháp xung quanh giải ngân gói 30 nghìn tỷ đồng. Trong đó đáng chú ý là đề nghị các NHTM không nên lấy chi phí quản lý hoặc chỉ lấy 0,5% thì người vay chỉ phải trả lãi vay từ 4,5% /năm hoặc 5%/năm khi mua nhà ở xã hội.
Lý giải cho đề xuất này, ông Lê Hoàng Châu cho rằng, tại khoản (2.a) điều 8 Thông tư 11/2013/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) xác định “Lãi suất tái cấp vốn của NHNN đối với ngân hàng thấp hơn lãi suất cho vay của ngân hàng đối với khách hàng là 1,5%/năm tại cùng thời điểm”. Có nghĩa là chi phí quản lý của các NHTM là 1,5% không đổi. Nếu các NHTM không lấy chi phí quản lý hoặc chỉ lấy 0,5% thì người vay chỉ phải trả lãi vay từ 4,5% /năm hoặc 5%/năm. “Đây là mức lãi suất vay phù hợp, khuyến khích được người vay, thay cho mức cho vay ưu đãi quy định 6% hiện nay” - ông Châu nói.
Ông Châu cũng kiến nghị thời hạn cho vay được điều chỉnh từ 10 năm lên 20 năm đối với cá nhân vay để giảm mức trả nợ vay và lãi vay hằng tháng phù hợp với khả năng tài chính của người vay. Với mức vay khoảng 500 triệu đồng trong 10 năm, hằng tháng người vay phải trả trên dưới 5 triệu đồng, nếu thời hạn vay 20 năm, hằng tháng người vay chỉ phải trả khoảng 2-3 triệu đồng.
Trong trường hợp nếu vẫn giữ thời hạn vay 10 năm thì kiến nghị áp dụng thời hạn vay này cho tất cả các trường hợp vay từ năm 2014 đến ngày 1/6/2016 (ngày cuối cùng giải ngân gói 30.000 tỉ đồng) bởi lẽ thời hạn tái cấp vốn của NHNN chấm dứt vào ngày 1/6/2023 quy định tại khoản 3 điều 8 Thông tư 11/2013/TT-NHNN. Theo quy định này thì người vay các năm 2014, 2015, 2016 chỉ còn được hưởng lãi suất ưu đãi tối đa 6%/năm lần lượt với thời hạn 9 năm, 8 năm hoặc 7 năm mà thôi.
Hiệp hội BĐS Tp.HCM cũng kiến nghị NHNN cho người vay được ân hạn 3 năm đầu chưa phải trả nợ gốc và lãi vay, đến năm thứ tư sẽ trả nợ gốc và lãi vay. Như vậy sẽ tạo điều kiện cho người vay tích lũy tài sản và dễ dàng trả nợ sau một thời gian dài làm việc. Người vay chỉ cần có vốn đối ứng tối thiểu là 10% là phù hợp với khả năng tài chính 90% tiền thuê mua, mua NOXH, mua nhà ở thương mại được vay từ nguồn vốn 30.000 tỉ đồng. Hiện nay các ngân hàng phổ biến chỉ cho vay 80% giá mua nhà.
Ngoài ra, ông Châu cho rằng, NHNN nên chỉ đạo các NHTM cho phép khách hàng cá nhân được bảo đảm tiền vay bằng chính căn hộ mua, thuê mua, căn hộ hình thành trong tương lai.
Với các CTCP Tư vấn Thương mại dịch vụ địa ốc Hoàng Quân, CTCP Đầu tư Xây dựng và khai thác công trình giao thông 584 đã được UBND Tp.HCM chấp thuận cho chuyển đổi dự án nhà ở thương mại sang làm nhà ở xã hội nhưng do có nợ xấu hoặc chưa có đủ nguồn vốn đối ứng (theo Thông tư 11, vốn đối ứng của DN tối đa là 30%) thì để gỡ khó cho DN, Hiệp hội kiến nghị NHNN chỉ đạo các NHTM chuyển nguồn vốn vay ưu đãi vào tài khoản phong toả. Theo đó, DN chỉ được giải ngân cho đúng danh mục công trình, có khối lượng nghiệm thu giai đoạn theo quy định để đảm bảo sử dụng vốn vay đúng mục đích và thúc đẩy tiến độ thực hiện dự án.
Những đề nghị của Hiệp hội BĐS Tp. HCM gửi lên Thủ tướng và các Bộ ngành liên quan là những giải pháp góp phần giải ngân tốt hơn nữa gói nghìn tỷ của Nhà nước mà nhân dân hết sức mong đợi.
(Theo Lao Động)