Quy định về hạ tầng kỹ thuật khi tách thửa một cách chặt chẽ được kì vọng là sẽ chống được tình trạng phân lô bán nền chỉ có lợi cho chủ đầu tư.
Bà Nguyễn Thị Tuyết, ngụ tại phường Tân Tạo A, quận Bình Tân, Tp.HCM cho hay: “Quy định tưởng chừng rất dễ nhưng khi thực hiện lại phức tạp quá, cả năm trời chúng tôi vẫn chưa làm thủ tục tách thửa được”.
Nản lòng khi nghe hướng dẫn xong thủ tục tách thửa
Bà Tuyết và một số cá nhân đã cùng nhau mua mảnh đất vườn có diện tích hơn 600m2 của bà L.T.L. tại phường Tân Tạo A, quận Bình Tân. Đến nay, những người này có nhu cầu tách thửa, chuyển mục đích sử dụng để xây nhà cho từng người nên đề nghị bà L. thực hiện thủ tục. Bà L. đã chừa một con đường bê tộng rộng 3m, dài 45m để lấy lối đi cho các nền nhà này.
Sau khi tiếp nhận hồ sơ xin tách thửa của bà L., phòng Tài nguyên & Môi trường quận Bình Tân có văn bản đề nghị bà L. liên hệ với UBND phường Tân Tạo A để được hướng dẫn làm thủ tục phê duyệt tuyến hẻm trước khi xem xét giải quyết. Sau khi được phường hướng dẫn, bà L. về làm đơn cam kết phần đất hẻm là do bà tạo lập và sẽ là lối đi chung sau này. Bà L. đã thực hiện cập nhật con hẻm thành hẻm chung theo quy định để bổ sung hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất. UBND phường Tân Tạo A sau khi đi kiểm tra thực tế đã có văn bản đề nghị Phòng Quản lý đô thị (QLĐT) và phòng Tài nguyên và Môi trường quận xem xét cho cập nhật tuyến hẻm.
Với việc thủ tục tách thửa có thêm yêu cầu về đầu tư hạ tầng kỹ thuật sẽ giúp
hạn chế tình trạng phân lô hộ lẻ. Ảnh: HTD
Bà Tuyết cho biết, từ đó tới nay đã gần năm trời mà hồ sơ vẫn chưa xong. “Lên Phòng QLĐT hỏi thủ tục thì được hướng dẫn thực hiện những vấn đề mà chúng tôi chóng mặt vì không thể làm nổi và không thể xác định được bao lâu mới xong”, bà chán nản.
Cụ thể, bà được hướng dẫn muốn được quận phê duyệt quy hoạch hẻm tự lập thì phải thực hiện qua sáu bước. Trước tiên là phường đề xuất, sau đó Phòng QLĐT tổng hợp rồi báo cáo quận kinh phí đầu tư. Muốn vậy thì phải chờ quận cân đối kinh phí rồi bố trí vốn. Sau khi có kinh phí, phải thuê đơn vị tư vấn thực hiện trong 60 ngày, lấy ý kiến người dân trong 30 ngày rồi mới tới bước cuối cùng là phê duyệt quy hoạch hẻm này trong 30 ngày. “Nghe xong tôi đành ra về”, bà Tuyết nói.
Quy định chặt chẽ để chống phân lô hộ lẻ
Theo ông Nguyễn Gia Thái Bình, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân và đại diện Phòng QLĐT, những yêu cầu về đường giao thông được thực hiện theo quy định tại Quyết định 88/2007/QĐ-UBND do UBND Tp.HCM ban hành về quy hoạch lộ giới và quản lý hẻm trong khu dân cư hiện hữu. Theo đó, tháng 6/2014, quận thông báo chủ trương điều chỉnh lộ giới hẻm trên địa bàn. Những hẻm hình thành trước năm 2005 và đã có trên bản đồ thì các phường thống kê, lập hồ sơ để quận bổ sung quy hoạch lộ giới.
“Đối với những trường hợp hẻm nằm trong khu dân cư nhưng chưa được thể hiện trên bản đồ (như trường hợp của bà L.), UBND phường có trách nhiệm làm thủ tục bổ sung quy hoạch lộ giới hẻm và đầu tư hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật theo quy định”, ông Bình cho hay.
Đại diện Phòng QLĐT cho biết cán bộ của phòng đã hướng dẫn bà L. thực hiện các thủ tục như trên. Vị này cũng cho biết, nếu người dân cảm thấy bị động với cách làm đó thì có thể chọn một cách khác tự chủ hơn là xin cấp phép xây dựng đường. “Sau khi có giấy phép, người dân đầu tư xây dựng đường và quận sẽ ra thông báo nghiệm thu, cập nhật đường và cho phép tách thửa”, vị này nói. Với cách này, phường sẽ đại diện người dân trình hồ sơ cho quận phê duyệt cập nhật quy hoạch hẻm mới.
Ông Nguyễn Gia Thái Bình khẳng định, các quy định chặt chẽ về hạ tầng kỹ thuật khi chuyển mục đích tách thửa những khu đất lớn là rất cần thiết. “Với một khu đất nông nghiệp trống, nếu người chủ đất chỉ cần làm con đường vắt ngang qua mà không bị quản lý về quy hoạch lộ giới, về chất lượng… rồi sau đó thoải mái phân lô bán nền thì sẽ tạo ra những hệ lụy lớn mà sau này người mua và Nhà nước phải gánh”, ông Bình phân tích.
Cùng chung quan điểm, ông Đoàn Nhựt, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh cho hay, người dân có cảm giác e ngại vì lâu nay chưa quen thủ tục xin phép xây dựng đường giao thông. “Nếu muốn tách thửa cho toàn khu đất lớn, chủ đầu tư phải chấp nhận bỏ thêm chi phí đầu tư hạ tầng. Và tất nhiên là họ không thể tự thực hiện mà cần thuê tư vấn khi xin phép mở đường giao thông, và phải làm đúng tiêu chuẩn kỹ thuật. Đây không phải là làm khó người dân mà là yêu cầu hợp lý”, ông Nhựt nói.
Ông Nhựt khẳng định, việc tách thửa của người dân phải tuân thủ quy định chặt chẽ về đầu tư hạ tầng kỹ thuật sẽ chống được tình trạng phân lô bán nền chỉ có lợi cho chủ đầu tư. “Còn trường hợp người dân bị làm khó dễ trong quá trình thực hiện lại là câu chuyện khác. Khi đó cần phải nghiêm khắc xử lý cán bộ”, ông bày tỏ.
Có một số vướng mắc trong quy định tại Quyết định 33 về hạn mức tối thiểu khi tách thửa. Ví dụ như chỉ quy định cho đất ở mà không đề cập tới việc tách thửa đất nông nghiệp. Vì thế, hiện một số hồ sơ của người dân bị gián đoạn vì không có cơ sở thực hiện. Quận đã có văn bản báo cáo và hỏi Sở Tài nguyên và Môi trường về vấn đề này. Ông Nguyễn Gia Thái Bình, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân |
(Theo Pháp luật TP HCM Online)