Trang mua bán nhà đất hàng đầu Việt Nam

Còn nhiều tranh cãi quanh quy định về ban quản trị chung cư

Cập nhật: 28/04/2015 10:30

Khi chưa có những quy định pháp luật phù hợp thì những tranh cãi về mối quan hệ giữa ban quản trị chung cư, chủ đầu tư và cư dân sẽ còn tiếp diễn.

Những mâu thuẫn giữa chủ đầu tư, cư dân và ban quản trị vẫn diễn ra căng thẳng tại nhiều dự án chung cư ở Tp.HCM. Ảnh: Vietnamnet

Sáng ngày 24/4, tại Tp.HCM, Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) đã tổ chức buổi tọa đàm góp ý cho Dự thảo Quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư. Buổi tọa đàm đã nóng lên với nhiều tranh cãi trái chiều xoay quanh quy định về ban quản trị chung cư.

Ông Nguyễn Quốc Dũng, Giám đốc Công ty Xây dựng Kinh doanh và Phát triển nhà Thành Trường Lộc cho rằng, Dự thảo Quy chế cần làm rõ quyền hạn, trách nhiệm của ban quản trị chung cư để tránh việc ban quản trị trục lợi qua việc “núp bóng” dưới danh nghĩa đại diện cho cư dân.

Theo đề nghị của ông Dũng, cần phải dùng một cái tên khác hoặc một định nghĩa khác để làm bật lên được bản chất danh xưng ban quản trị nhằm tránh nhầm lẫn, tránh để những thành viên trong ban quản trị có thể lợi dụng và lạm quyền như hiện nay.

Với tư cách là một cư dân sống tại một chung cư cao cấp, bà Đỗ Thị Loan, Phó Chủ tịch Hiệp hội bất động sản (BĐS) Tp.HCM cho rằng, với các quy định về ban quản trị chung cư như hiện nay thì sẽ không ai muốn tham gia ban quản trị vì quá rắc rối và phức tạp.

Bà Loan cũng cho rằng, không phải dự án chung cư nào cũng cần có ban quản trị, nhất là các dự án chung cư cao cấp thì chủ đầu tư đã làm công việc quản lý, vận hành tòa nhà rất tốt.

Ông Nguyễn Mạnh Khởi, Cục phó Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS cho rằng, luật đã quy định như vậy thì mỗi tòa chung cư bắt buộc phải có ban quản trị với 3 - 5 thành viên.

Giữa bà Loan và ông Khởi đã xảy ra một cuộc tranh luận khá gay gắt về vấn đề thù lao cho thành viên ban quản trị chung cư. Theo ý kiến của bà Loan, nếu thù lao của mỗi thành viên chỉ bằng 1,5 mức lương tối thiểu hiện nay thì chẳng ai muốn làm, trong khi đó, ông Khởi phủ nhận mức thù lao này và cho rằng, thù lao của mỗi thành viên trong ban quản trị tương đương với thù lao của một… tổ trưởng dân phố.

Ông Nguyễn Thanh Hải, Trưởng phòng Quản lý nhà và công sở (Sở Xây dựng Tp.HCM) đưa ra giải pháp, đó là Dự thảo Quy chế nên cho phép chủ đầu tư đồng thời là ban quản trị nếu được sự thống nhất của cư dân trong hội nghị nhà chung cư. Ông Hải cho rằng, điều này sẽ tạo thuận tiện hơn cho những chung cư cao cấp, khi mà cư dân không mặn mà với việc tham gia ban quản trị.

Theo kinh nghiệm của ông Hải, Dự thảo cũng nên quy định chặt chẽ hơn về việc quản lý phần sở hữu chung, sở hữu riêng của tòa nhà để tránh trường hợp các các chủ đầu tư trục lợi của khách hàng. Cụ thể, theo quy định mới, chủ đầu tư có quyền lựa chọn bãi đỗ xe ô tô là sở hữu chung hay sở hữu riêng của chủ đầu tư. Có nhiều chủ đầu tư chọn hạng mục này là sở hữu riêng nhưng vẫn tính tiền vào giá trị chung cư để chia đều và gộp vào giá bán.

Đề cập đến kinh phí quản lý vận hành chung cư, ông Nguyễn Tiến Dũng, Tổng giám đốc Công ty CP Sài Gòn Triển Vọng – Savista cho rằng, Dự thảo Quy chế cần quy định rõ ràng hơn về chủ thể thu và quản lý việc sử dụng kinh phí quản lý là ban quản trị hay đơn vị quản lý.

Ông Dũng cho biết, trên thực tế hiện nay tại các tòa chung cư, có hai hình thức chính, một là thu hộ - chi hộ, tức là ban quản trị sẽ thu các khoản phí còn đơn vị quản lý được hưởng thù lao theo hợp đồng dịch vụ. Hình thức thứ hai là tự thu - tự chi, nghĩa là đơn vị quản lý tự thu, tự chi trong khoản kinh phí quản lý chung cư.

(Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online)

TIN CŨ HƠN
CHỦ ĐỀ KHÁC
TIN ĐƯỢC QUAN TÂM