Theo quy định hiện hành, vốn pháp định khi thành lập doanh nghiệp bất động sản (BĐS) chỉ là 6 tỷ đồng. Tuy nhiên, từ thời điểm Luật Kinh doanh BĐS chính thức có hiệu lực, số vốn này sẽ tăng lên 20 - 50 tỷ đồng. Do vậy, đã xảy ra tình trạng đua nhau thành lập doanh nghiệp BĐS trước ngày 1/7 để "né" quy định về vốn pháp định này.
Các doanh nghiệp BĐS được ồ ạt thành lập mới để "né" quy định tăng vốn pháp định.
Ảnh minh họa
Số lượng doanh nghiệp BĐS mới tăng đột biến
Theo số liệu của Hiệp hội BĐS Việt Nam, trong quý I/2015, BĐS là ngành có số doanh nghiệp thành lập mới tăng cao so với cùng kỳ năm trước, với mức tăng vào khoảng 50%. Các chuyên gia nhận định, con số này là mức cao đột biến sau một thời gian khá dài thị trường rơi vào khủng hoảng.
Ngược lại, số doanh nghiệp BĐS chấm dứt hoạt động, bị giải thể, tạm ngừng hoạt động trên cả nước lại sụt giảm đáng kể. Ngoài ra, thống kê chỉ trong 2 tháng đầu năm 2015, đã có tới 81 doanh nghiệp BĐS quay trở lại hoạt động, so với năm 2014 tăng 53%.
Cục đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch & Đầu tư cho biết, trong 4 tháng đầu năm 2015, đã có 10 dự án BĐS được đăng ký mới với tổng số vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 327 triệu USD, chiếm 8,8% trong tổng số vốn đầu tư.
Các chuyên gia cho rằng, nguyên nhân khiến số lượng doanh nghiệp BĐS thành lập mới tăng cao trong thời gian qua là do thị trường đang hồi phục, niềm tin của người mua đã trở lại. Số lượng giao dịch mua bán tăng khiến thị trường BĐS sôi động hơn và đây là dấu hiệu tốt.
Tuy nhiên, có lẽ lý do hợp lý hơn cả của việc các doanh nghiệp được thành lập ồ ạt là để "lách" quy định về vốn pháp định thành lập doanh nghiệp của Luật Kinh doanh BĐS mới. Theo quy định hiện hành, vốn pháp định thành lập doanh nghiệp BĐS chỉ là 6 tỷ đồng, song sẽ tăng lên 20 - 50 tỷ đồng kể từ ngày 1/7 tới đây.
Cùng chung quan điểm, luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty luật Basico cho rằng, đó là "lách luật", nhưng là "lách" một cách hợp tình, hợp lý và hợp pháp vì doanh nghiệp được thành lập trước khi Luật Kinh doanh BĐS có hiệu lực thì chỉ cần vốn pháp định 6 tỷ đồng.
Việc các doanh nghiệp BĐS được thành lập ồ ạt ngay trước thời điểm có yêu cầu tăng vốn pháp định tất nhiên là không đúng với mong muốn của Nhà nước trong thời gian tới. Tuy nhiên, điều này hoàn toàn không có gì đáng lo ngại.
Theo ông Đức, thị trường BĐS hiện nay đã đi vào giai đoạn bài bản và ổn định chứ không còn ăn xổi, chụp giật như trước. Các doanh nghiệp muốn tồn tại được thì phải làm ăn tử tế. Khách hàng sẽ có nhiều sự lựa chọn và có cơ sở để yên tâm hơn.
“Một loạt các văn bản luật như Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh BĐS ra đời với những quy định mới sẽ bảo đảm cho hoạt động kinh doanh BĐS đi vào khuôn khổ và an toàn hơn”, ông Đức nói.
Cuộc cạnh tranh giữa các doanh nghiệp BĐS sẽ khốc liệt
Việc số lượng doanh nghiệp BĐS thành lập mới tăng cao được đánh giá là một tín hiệu tốt không chỉ cho lĩnh vực xây dựng, BĐS mà còn cho cả nền kinh tế. Tuy nhiên, việc ồ ạt thành lập doanh nghiệp BĐS cũng đang tạo ra nhiều nỗi lo cho thị trường BĐS.
Hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh BĐS khi thành lập đều có vốn điều lệ dưới 20 tỷ đồng, số lượng doanh nghiệp loại này hiện chiếm gần 60%. Như vậy, chỉ có hơn 40% doanh nghiệp BĐS có vốn pháp định trên 20 tỷ đồng, mức vốn chưa phải là cao nếu muốn triển khai dự án BĐS.
Không ít doanh nghiệp BĐS thiếu năng lực khiến cho dự án bị "đóng băng" , gây thiệt hại cho người mua. |
Dưới góc độ doanh nghiệp, một chủ đầu tư nhận định, đi kèm với cơ hội mới thì mọi doanh nghiệp BĐS đều đang phải đối mặt với nhiều thách thức, vì sẽ có sự cạnh tranh rất quyết liệt trên thị trường.
Tuy nhiên, giai đoạn thị trường khó khăn vừa qua cũng đồng thời là một giai đoạn sàng lọc. Những doanh nghiệp đầu tư kinh doanh một cách bài bản, chuyên nghiệp vẫn đứng vững và duy trì hoạt động. Trước những cơ hội to lớn như chúng ta vừa nói, các doanh nghiệp này sẽ có sự bứt phá mạnh trên thị trường.
Ngược lại, những doanh nghiệp không có năng lực sẽ buộc phải rời khỏi thị trường, chuyển nhượng lại dự án. Đây cũng đồng thời là cơ hội cho các nhà đầu tư nước ngoài mua lại dự án, liên danh với các doanh nghiệp nội để phát triển như làn sóng M&A dự án BĐS đang diễn ra rất mạnh mẽ trong năm qua.
Bà Đỗ Thu Hằng, Trưởng bộ phận nghiên cứu của Savills Việt Nam cho hay, thị trường BĐS bao giờ cũng đòi hỏi lượng vốn đầu tư lớn và dài hạn, nếu không phải doanh nghiệp chuyên nghiệp thì rất khó trụ vững trên thị trường. Các doanh nghiệp được thành lập mới này nếu không có vốn dài hơi, năng lực nội tại không mạnh thì sẽ bị loại ra khỏi cuộc chơi.
Trước sức ép của các “đại gia” đi trước chiếm ưu thế về mọi mặt như kinh nghiệm, vốn, uy tín, thương hiệu thì những doanh nghiệp còn "non trẻ", mới thành lập cần phải có chiến lược kinh doanh mới có thể tồn tại và phát triển.
(Theo Vietnamnet)