Trang mua bán nhà đất hàng đầu Việt Nam

Đừng vội xây trung tâm thương mại!

Cập nhật: 18/12/2014 15:14

Việc vội vàng xóa bỏ các chợ truyền thống để chuyển sang trung tâm thương mại nếu không tính toán kỹ sẽ không chỉ gây tốn kém kinh phí xây dựng mà còn làm tái diễn mạnh hơn cảnh chợ cóc, chợ tạm...

Cửa Nam từng được biết đến là một trong những khu chợ cổ và sầm uất nhất của đất Kinh kỳ. Nhưng từ khi đượcxây dựng, chuyển đổi thành trung tâm thương mại (TTTM) 13 tầng mọi chuyện thay đổi. Đi vào hoạt động năm 2010 nhưng chợ mô hình mới này không được bà con tiểu thương ủng hộ. Cả trăm hộ kinh doanh cũ được chuyển xuống tầng hầm của tòa nhà, với đủ các mặt hàng rau xanh, thịt, cá, hàng khô và đồ gia dụng... Tuy nhiên, số còn trụ lại được chỉ đếm trên đầu ngón tay. 

Hoành tráng, sang trọng nhưng Trung tâm thương mại Hàng Da vẫn bị tiểu thương chối bỏ

Nằm ở vị trí “đất vàng” thuộc trung tâm TP. Hà Nội kinh phí xây dựng Chợ - TTTM Hàng Da (phố Hàng Da) lên đến 250 tỷ đồng với 400 hộ kinh doanh nhưng sức mua lại èo uột. Hiện TTTM này đã đổi tên thành Hà Nội Square với chính sách miễn phí thuê mặt bằng trong 1 năm để thu hút tiểu thương nhưng vẫn không thoát khỏi cảnh ế ẩm. Nhiều gian hàng bỏ trống, treo biển chuyển nhượng, thậm chí mặt bằng tầng 3 đang được trưng dụng cho thuê hội nghị, đám cưới.

Một số TTTM khác trên địa bàn Hà Nội cũng chung cảnh "ế ẩm" tương tự khi thực hiện chủ trương hiện đại hóa như Ô Chợ Dừa, Thanh Trì...

Sự khang trang, hiện đại, tiện nghi của những tòa nhà cao tầng chưa phù hợp với đời sống của bà con đô thị và còn làm mất đi nét văn hóa chỉ có thể tìm thấy ở chợ truyền thống. Thậm chí, chán cảnh ế ẩm, nhiều tiểu thương quay ra kinh doanh ở các chợ mà người ta gọi là “chợ cóc”, “chợ tạm”… Điều này làm tái diễn tình trạng buôn bán vỉa hè, lòng đường, gây mất trật tự, mỹ quan ở các khu vực xung quanh!

Sự thất bại của quá trình chuyển đổi mô hình chợ  - TTTM là bài học nhãn tiền dù không mới vẫn cần phải nhắc lại lần nữa để các cơ quan chức năng có cái nhìn thận trọng hơn trong vấn đề phát triển quy hoạch. Việc “cổ súy” phát triển chợ truyền thống như hiện nay (bẩn, mất vệ sinh an toàn thực phẩm, nhếch nhác…) cũng là điều không nên nhưng việc nâng cấp, cải tạo chợ truyền thống phải gắn liền với việc giữ được “hồn cốt” của chợ truyền thống, là nơi trao đổi hàng hóa, đồng thời cũng là nơi người đi mua vừa đi chợ, vừa đi chơi chợ.

(Theo Hải Quan Online)

TIN CŨ HƠN
CHỦ ĐỀ KHÁC
TIN ĐƯỢC QUAN TÂM