Vào ngày 16/12, tại hội nghị phổ biến pháp luật đất đai của Bộ TN&MT tổ chức, vấn đề xử lý các dự án chậm tiến độ đã được đưa ra bàn luận.
Sở TN&MT Tp.HCM cho hay Điều 64 về việc xử lý các dự án chậm tiến độ trong Luật Đất đai 2013 có vướng mắc. Cụ thể, luật quy định dự án chậm tiến độ 24 tháng so với giấy phép đầu tư hoặc 12 tháng liên tục không đưa đất vào sử dụng thì dự án sẽ được gia hạn thêm 24 tháng. Nhưng để được gia hạn, chủ đầu tư phải nộp tiền phạt với khoản tiền bằng với khoản tiền sử dụng đất cho thời gian chậm thực hiện. Cái vướng mắc ở đây là số tiền nộp phạt này sẽ tính theo bảng giá đất hay giá thị trường hay là giá đã được xác định tại dự án?
Cục phó Cục Kinh tế và Phát triển quỹ đất thuộc Bộ TN&MT, ông Đoàn Ngọc Phương đã có những giải đáp trước thắc mắc này. Theo ông, sẽ nộp tiền phạt theo giá thị trường cho khoản thời gian hai năm mà dự án chậm thực hiện. Để các địa phương thực hiện đúng, Bộ TN&MT sẽ phối hợp Bộ Tài chính để có hướng dẫn cụ thể.
Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Mạnh Hiển cũng đưa ý kiến, việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai gặp nhiều khó khăn và mất thời gian bởi đang áp dụng cách xác định bằng cách lấy diện tích đất nhân với giá đất. Với Nghị định 102/2014 thì thủ tục và việc thực hiện đơn giản hơn do trong việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai sẽ có hành vi vi phạm là bị xử phạt.
Ông Hiển cũng cho biết thêm, Nghị định 102 bổ sung một số hành vi vi phạm mới lâu nay vẫn xảy ra trên thực tế nhưng chưa bị xử phạt. Chẳng hạn, chủ đầu tư dự án chậm trễ trong việc xin cấp giấy chứng nhận cho bên mua nhà ở. Theo nghị định, chủ đầu tư có thể bị phạt đến 1 tỉ đồng nếu chậm 12 tháng trở lên với dự án có trên 100 căn hộ thì có hành vi vi phạm chậm làm thủ tục cấp giấy chứng nhận.
Đại diện sở TN&MT một tỉnh băn khoăn về việc cơ sở pháp lý của việc tách thửa đất nông nghiệp do luật lại không được quy định. “Luật Đất đai không quy định về tách thửa đất nông nghiệp. Do đó đây là quyền của người dân không thể cấm, không thể buộc người dân tách với diện tích tối thiểu là bao nhiêu”.
(Theo Pháp luật TP HCM online)